6 tuyệt chiêu cho du học sinh kết bạn với dân-bản-địa

Khác với sự thân thiện và nồng nhiệt của người Việt với các bạn ‘Tây ba-lô’ đến nước ta, du học sinh Việt rất có thể sẽ thấy ngỡ ngàng và cô độc trước xã hội và con người ở trời Tây. Nhất là một số dân tộc châu Âu tuy rất tốt bụng nhưng lại có văn hóa giao tiếp khá dè dặt và cẩn trọng với người lạ hay khách du lịch. Rào cản ngôn ngữ lời nói lẫn ngôn ngữ cơ thể rất hay gây ra những sự cố ‘dở khóc dở cười ‘ khi du học sinh mới tập bắt chuyện với bạn bè trong lớp và người dân bản địa, nhưng không phải vậy mà bạn trở nên rụt rè hay e ngại. Cách tốt nhất để hòa đồng với người dân địa phương là phải giao tiếp và làm quen với họ thật nhiều:

 

(1) Chủ động tham gia các lớp ngoại khóa

Các hoạt động trong lớp hoặc bài tập làm việc nhóm sẽ giúp bạn dễ làm quen với một số bạn cùng lớp, nhưng môi trường giảng dạy và nghiên cứu ở bậc đại học ở nước ngoài thường rất chuyên sâu nên sinh viên giữa các cơ sở, các khoa và hội đoàn lại bị cách biệt với nhau. Thường thì mọi người có xu hướng chơi với ‘cậu bạn bàn trên’ hoặc ‘cô bạn bàn dưới’, rồi dính lấy nhau thành một nhóm – mặc dù điều này mang lại cho bạn cảm giác an toàn và thân thiết, nhưng vô tình lại hạn chế cơ hội khám phá và giao hữu với những tuýp bạn bè mới. Đôi khi những nhóm bạn toàn du học sinh Việt lại khó kết bạn với những người bạn địa là thế.

Các lớp học ngoại khóa thậm chí có thể được giảng dạy ở các khoa và chuyên ngành khác xa với chuyên khoa của bạn, như vậy bạn vừa gặp được bạn bè ở khoa khác, lại vừa khám phá những kiến thức mới mẻ và thú vị – một mũi tên trúng hai đích.

Hãy thử tham gia một lớp ngoại khóa ngoài lĩnh vực của mình, rồi bạn sẽ thấy có rất nhiều con người thú vị, có những xuất thuân rất thú vị, đang làm những công việc đặc biệt thú vị, tại cùng một ngôi trường đại học cực kỳ thú vị!

 

(2) Không ngại đi lạc

Đúng vậy, bạn không nghe nhầm đâu – ‘sở thích’ đi lạc sẽ giúp bạn khám phá thành phố mới của mình rất nhanh. Những địa danh nổi tiếng và thắng cảnh ngoạn mục ở vùng đất mới sẽ cuốn bạn đi đến khắp các ngóc ngách và phố phường.

Đôi lúc việc bỏ điện thoại ở nhà và chọn lựa những tuyến đường mới vừa giúp bạn tránh bị ùn tắc, lại vừa có thể đưa bạn lạc vào những quán hàng lạ lẫm, để bạn thỏa sức dạo bộ vào một chiều yên ả, hỏi chuyện đường đi với người dân trong phố và lặng lẽ ngắm nhìn những lăng kính cuộc sống đẹp đến giản dị.

 

(3) Xung phong làm tình nguyện

Bạn không cần phải đi theo những phong trào thanh niên to lớn, chỉ cần bỏ ra một buổi chiều rảnh rỗi để tham gia làm tình nguyện viên ở một dự án cộng đồng hoặc làm hỗ trợ viên ở một thư viện hay một trường gần nhà. Những trải nghiệm này sẽ dạy bạn rất nhiều về lối sống bản địa và giúp mở ra cánh cửa đến với các hoạt động giới trẻ khác ở địa phương.

Người dân địa phương luôn đánh giá cao những tấm gương biết góp sức làm tình nguyện cho cộng đồng. Chính cảm giác chung tay làm một điều gì đó với mọi người là lúc bạn cảm thấy hòa đồng và thân thuộc với ‘ngôi nhà thứ hai’ này của mình.

 

(4) Không ngại khác biệt

Thế giới sẽ rất đáng chán nếu ai cũng giống nhau! Vì vậy đừng quá lo lắng về khoảng cách khác biệt trong ngôn ngữ cơ thể và cách bạn hành xử. Hãy đặt (không nhiều thì ít) niềm tin vào những người bạn mới, vì đó là nền tảng của mọi mối quan hệ: nếu bạn làm gì sai, họ sẽ giúp bạn chỉnh sửa.

Ngược lại, bạn cũng đừng đặt nặng sự khác biệt (thậm chí là đối lập) trong cách sống của những người bạn mới này. Mỗi người có cách làm riêng của mình, không phải ai cũng hiểu bạn và bạn cũng không cần phải hiểu hết mọi thứ. Hãy tập quan sát các thói quen hành xử của bạn bè, bạn có thể dần nghiệm ra được một số nguyên do sâu xa trong văn hóa địa phương đấy!

 

(5) Chia sẻ về văn hóa và phong tục của bạn

Cũng như khi bạn thích tìm hiểu về những người bạn và nền văn hóa mới, mọi người ở đây cũng tò mò không kém và muốn được nghe kể về con người và môi trường ở quê hương bạn. Vì vậy hãy là một người thân thiện, không quá suồng sã, nhưng thật tự nhiên để mở lòng chia sẻ về các phong tục tập quán văn hóa của dân tộc bạn và vui vẻ trả lời mọi thắc mắc của bạn bè như khi họ sẵn lòng giải thích cho bạn về đất nước họ vậy.

 

(6) Hãy kiên nhẫn

Tìm cảm và các mối quan hệ luôn cần thời gian vun xén để thành hình. Việc hòa đồng vào một xã hội mới tốn nhiều thời gian để học, để hiểu và để điều chỉnh cách sống hơn nhiều người tưởng. Vì vậy đừng hối thúc bản thân phải thay đổi trong một sớm một chiều!

Vừa dành thời gian để thấu hiểu về người và đất, vừa cần học tập thật chăm chỉ, vừa kết thêm bạn mới và vừa có thêm nhiều kỷ niệm vui – cuộc sống du học sinh bận rộn là thế, nên hãy để thời gian giúp bạn cân bằng từng chút một. Rồi một ngày, bạn sẽ ngạc nhiên thấy mình tự tin và thoải mái như đang ở nhà, xứ sở này rồi sẽ là ngôi-nhà-thứ-hai của bạn!