Câu chuyện du học của bốn nhân vật xuất chúng thế giới

Nếu bạn đang tìm cảm hứng và động lực để biến ước mơ du học thành hiện thực, hãy để câu chuyện thú vị của bốn nhân vật ưu tú dưới đây tiếp lửa cho ước mơ của bạn nhé.

Malala Yousafzai – Nhân vật trẻ tuổi nhất đạt Giải Nobel Hòa bình

Cô gái Malala Yousafzai gốc Pakistan - là người trẻ nhất từng được trao giải Nobel Hòa Bình vào năm 2014, khi chỉ mới 17 tuổi. Cô được biết đến là một nhà hoạt động nhân quyền dũng cảm đấu tranh bảo vệ quyền lợi của phụ nữ.

Cô gái trẻ phi thường này đã phát động phong trào kêu gọi bảo vệ quyền tiếp cận giáo dục dành cho phụ nữ tại quê nhà – tỉnh Khyber Pakhtunkhwa (tây bắc Pakistan) trong bối cảnh phiến quân Taliban cấm hàng trăm bé gái tại đây đến trường. Phong trào này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các tổ chức quốc tế.

Ngày 9 tháng 10 năm 2012, Malala là nạn nhân của một cuộc tấn công và trúng tới ba viên đạn vào đầu. Do tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, cô đã được đưa đến Anh Quốc để điều trị vết thương.

Những nỗ lực đấu tranh lâu dài và bền bỉ để bảo vệ lý tưởng của Malala đã tạo nên cột mốc lịch sử mang tầm thế giới, khi quyền giáo dục chính thức được công nhận và bảo vệ ở quê hương của cô năm 2015. Không dừng lại ở đó, Manlala vẫn tiếp tục thực hiện ước mơ và đấu tranh đòi quyền lợi giáo dục cho trẻ em và phụ nữ thế giới.              

Malala hiện đang sinh sống tại Vương quốc Anh. Ngày 17 tháng 8 năm 2017, cô chia sẻ trên tài khoản Twitter của mình về việc nhập học ngành Triết học, Chính trị và Kinh tế tại Đại học Oxford. Giống như nhiều nhân vật ưu tú thế giới, Malala đã chọn con đường học tập ở nước ngoài để hiện thực hóa ước mơ.

Felipe VI – Vị vua đáng mến trị vì Tây Ban Nha

Lên ngôi trị vì Tây Ban Nha từ năm 2014, vua Felipe VI là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng đặc biệt của chế độ quân chủ Tây Ban Nha. Từ khi sinh ra, ngài đã được trao quyền kế thừa ngôi vương và đứng đầu nhà nước. Vì lý do đó, Vua Felipe đã chuẩn bị kĩ càng cho sự nghiệp chính trị của mình trong suốt những tháng năm tuổi trẻ.

Việc đào tạo nhân cách và học thuật dành cho một quốc vương sẽ phải tuân theo những yêu cầu nhất định. Theo quyết định của cha mẹ, Hoàng tử Felipe theo học tại trường Santa Maria de los Rosales ở Madrid đến năm 1984. Sau đó, ngài học dự bị đại học tại trường Cao đẳng Lakefield ở Ontario, Canada.

Nhà vua tiếp tục con đường học vấn bằng cách trở về Tây Ban Nha và theo đuổi bằng cử nhân Luật tại Đại học Autónoma de Madrid. Sau đó, ngài tự quyết định tạm rời quê hương để đến học tập tại Đại học Georgetown, thủ đô Washington D.C trong hai năm từ 1993 đến 1995. Ở tuổi 27, nhà vua hoàn thành bằng Thạc sĩ về Quan hệ Quốc tế tại Học viện Ngoại Giao Walsh (Walsh School of Foreign Service), thuộc Đại học Georgetown. Khóa học này cũng đánh dấu sự kết thúc con đường học thuật, chuẩn bị cho việc nhà vua tham gia đời sống thể chế tại vương quốc Tây Ban Nha.

Vua Felipe VI đã dành một khoảng thời gian rất dài trong cuộc đời để học tập và nghiên cứu ở cả trong và ngoài nước. Điều này không chỉ giúp ngài tôi luyện, hình thành phẩm chất để trở thành vị vua trách nhiệm, thông minh, mà còn là cơ hội để ngài nâng cao khả năng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.

Không chỉ vậy, những năm tháng nghiên cứu của nhà vua về Quan hệ Quốc tế còn đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng tầm ảnh hưởng của Tây Ban Nha ở nước ngoài, cũng như tăng cường mối quan hệ với các nước láng giềng trong Liên minh châu Âu.

Nữ công tước Catherine Middleton xứ Cambridge

Catherine Middleton - hay còn được gọi là Kate Middleton – chính thức trở thành thành viên của Hoàng gia Anh khi kết hôn với Hoàng tử William ngày 29 tháng 10 năm 2011.

Kate chắc chắn không phải là một tấm gương xa lạ khi nói về du học. Với niềm đam mê ngôn ngữ sẵn có, nữ công tước quyết định tạm xa quê nhà để tham gia khóa học tiếng Ý trong ba tháng tại Viện Anh Quốc, thành phố Florence. Trong thời gian học tập tại  Ý, Kate đã có cơ hội sinh hoạt trong một cộng đồng học thuật lớn mạnh, và đắm chìm trong nghệ thuật, lịch sử, văn học và âm nhạc của Anh và Ý. Cô được tiếp xúc, trải nghiệm những truyền thống và phong tục của đất nước hình chiếc ủng. Cô còn đến thăm những địa danh mang tính biểu tượng ở Florence và tìm hiểu sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ giữa Anh và Ý.

Vài tháng sau khi kết thúc một năm gap year, Catherine trở thành sinh viên Đại học Saint Andrews ở Scotland và chọn học ngành Lịch sử Nghệ thuật ở tuổi 19. Ngoài việc học chính khóa trên lớp, Kate liên tục tham gia các hoạt động ngoại khóa. Trong một lần như thế, nữ công tước tình cờ gặp Hoàng tử William – người đã kết duyên với cô vài năm sau đó.

Những trải nghiệm học tập đa dạng chính là nền tảng để Catherine Middleton trở thành Công nương Kate nổi tiếng thông minh, xinh đẹp mà báo chí thường ca ngợi.

Juan Manuel Santos – Giải Nobel hòa bình cho những nỗ lực vì hòa bình ở Colombia

Trước khi trở thành Tổng Thống Colombia từ năm 2010 đến năm 2018, Juan Manuel Santos đã có một sự nghiệp chính trị dày dạn và tạo nhiều dấu ấn qua các cương vị quan trọng như: Bộ trưởng Ngoại thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Tín dụng Công, Bộ trưởng Quốc phòng Colombia...

Ngày 26 tháng 9 năm 2016, dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Santos, thỏa thuận hòa bình với quân đội FARC chính thức được ký kết. Thỏa thuận này đánh dấu việc ngừng bắn song phương và từ bỏ vũ khí, chấm dứt cuộc xung đột vũ trang tại Colombia, nhường chỗ cho thời kỳ hàn gắn đất nước sau cuộc nội chiến kéo dài hơn 50 năm.

Đây có lẽ là thành tựu quan trọng nhất trong sự nghiệp chính trường của ngài cựu Tổng thống và đưa ông đến với giải Nobel Hòa bình vào năm 2016.

Juan Manuel bắt đầu sự nghiệp học vấn bậc cao tại Đại học Kansas, Hoa Kỳ khi theo học chương trình đại học bằng kép về Kinh tế và Quản trị Kinh doanh. Sau đó, ông đến Anh và hoàn thành bằng thạc sĩ về Kinh tế và Luật kinh tế tại Trường Kinh tế London (London School of Economics). Từ đây, Santos hướng sự nghiệp của mình sang lĩnh vực chính trị. Thời gian lưu trú tại Anh Quốc cũng cho phép ông mở rộng kiến thức và phát triển các kỹ năng đặc biệt của một nhà lãnh đạo quốc gia tương lai.

Cuối cùng, hành trình du học còn đưa ngài cựu Tổng thống đến với thành phố Cambridge, Hoa Kỳ để hoàn thành khóa học Thạc sỹ Quản trị công tại Đại học Harvard - một trong những trường đại học danh giá nhất trên thế giới.

--

Liệu bạn có đang ấp ủ ước mơ chinh phục những giải thưởng quốc tế, hay trở thành người để lại dấu ấn trong lịch sử đất nước và nhân loại? Quyết định đi du học có thể là bước đầu tiên bạn cần để thực hiện những mục tiêu đặt ra.

Không chỉ giúp bạn mở rộng kiến ​​thức, phát triển các kỹ năng, đa dạng hóa quan điểm của bản thân, có những tình bạn bền vững…, du học còn là cơ hội để bạn được thỏa sức bay nhảy, vượt ra khỏi giới hạn quen thuộc và khám phá những chân trời mới.

Vậy còn chần chừ gì nữa khi thế giới rộng mở đang chờ bạn khám phá?!