MOOC – Massive Open Online Course, là tên gọi chung của các mô hình giáo dục trực tuyến mở nhằm tăng cường các cơ hội giáo dục đến với nhiều người hơn trên thế giới. Đây thường là các khóa học ngắn hạn, chuyên sâu về một mảng cụ thể, chất lượng cao và thường được miễn phí hoặc với chi phí thấp. Nhờ vậy, MOOC được coi là cuộc cách mạng toàn diện nhất mà sức mạnh công nghệ đang tạo ra trong ngành giáo dục, hứa hẹn một triển vọng về những cơ hội học tập danh giá cho mọi người.
Một khóa học trực tuyến (MOOC) trông như thế nào?
Các khóa học MOOC thường khá ngắn – thường chỉ kéo dài chỉ vài tuần và hầu hết là miễn phí cho mọi người – không có nhiều yêu cầu đầu vào. Tài liệu và thông tin trong khóa học được lưu trữ online nên rất dễ tìm kiếm và tải về.
Bí quyết học MOOC hiệu quả nhất là học viên phải chăm chỉ tương tác và thảo luận trên các diễn đàn và nhóm học. MOOC còn đi kèm rất nhiều công cụ trực tuyến để đánh giá tiến độ của học viên như các bài kiểm tra video, thuật toán chấm thi tự động, đánh giá thông qua quá trình làm việc nhóm…
Hiện nay, MOOC là xu thế chung mà rất nhiều đại học trên giới, bao gồm cả các trường danh giá: Đại học Auckland, Đại học Cape Town, Đại học Edinburgh, Đại học Fudan, Đại học Groningen, Đại học King’s London, Đại học Monash, Đại học Oslo, Đại học Jiao Tong Thượng Hải, Đại học Sung Kyun Kwan, Đại học Tel Aviv, Trinity College Dublin và Đại học Yonsei.
Bên cạnh đó, các kỳ lân tên tuổi trong ngành giáo dục trực tuyến như Coursera, edX, Khan Academy và Udacity đang tiếp tục mở rộng thị trường với gần 13 triệu học viên và hơn 1.200 khóa học.
Những thách thức của MOOC trước khi thực sư cải cách giáo dục
Nhiều số liệu đã chỉ ra rằng sinh viên tham gia MOOC đang tỷ lệ bỏ học giữa chừng rất cao – lên đến 90% dù đây thường là nhóm người có trình độ kiến thức và thái độ học tập tốt. Vì vậy, vẫn còn quá sớm để tiên đoán về tương lai của MOOC. Chương trình này cần phải chọn ra những môn học và ngành đào tạo phù hợp với văn học trực tuyến của sinh viên. Hầu hết các khóa MOOC đều miễn học phí nên khó có điều kiện cạnh tranh được với các trường đại học có nguồn kinh phí dồi dào để hỗ trợ sinh viên tốt hơn?
Ngoài ra, MOOC vẫn còn một số rào cản phải vượt qua để có thể thay thế dần phương pháp giáo dục truyền thống như:
- Các khóa MOOC chưa có các bằng cấp được công nhận trong hệ thống đào tạo chính thống mặc dù có chất lượng kiến thức rất cao và được xây dựng bởi nhiều trường danh tiếng hàng đầu thế giới;
- Không có yêu cầu đầu vào khắt khe, nên khó đảm bảo chất lượng học viên. Điều này vừa dẫn đến sự thiếu tin tưởng và thái độ dè dặt của nhà tuyển dụng vào chất lượng đào tạo, vừa dễ rơi vào tình trạng chất lượng của các sinh viên trong một ‘lớp học’ không đồng đều và việc giảng dạy không dễ dàng;
- Tỷ lệ bỏ học rất cao và vì những khóa học này đa phần là miễn phí (hoặc chi phí rất thấp), không có nhiều sự ràng buộc, không có hình phạt nào khiến để sinh viên có quyết tâm theo học lâu dài;
- Máy tính là điều kiện đi học bắt buộc – học viên phải biết sử dụng máy tính và kết nối internet;
- Nội dung khóa học được xây dựng chung cho nhiều đối tượng khác nhau ở nhiều khu vực khác nhau, nên có thể không phù hợp với cá nhân mỗi người hoặc văn hóa địa phương mỗi vùng.
Đôi khi, MOOC còn được ví như một cuốn sách trên kệ thư viện – có thể sẽ chỉ thu hút những người cưỡi ngựa xem hoa thử học một vài giờ, nhưng cũng là một cách tốt để sinh viên thử trải nghiệm thử với những ngành học mới và tự đánh giá được sở thích của mình.
Rất nhiều cơ hội và giá trị tích cực từ MOOC
Các tổ chức từ thiện và nhiều cá nhân như Quỹ Bill & Melinda Gates vẫn đang đầu tư nhiều hơn vào MOOC vì tiềm năng tiếp cận ngày càng nhiều người học thuộc nhóm thu nhập thấp.
MOOC cũng góp phần giải quyết các vấn đề khác của giáo dục truyền thống như giảm thời gian chuẩn bị giáo trình – từ đó giúp giảng viên có nhiều thời gian tương tác với sinh viên hơn. MOOC cũng cho phép sinh viên tự học các kỹ năng cơ bản rất dễ dàng, nhanh chóng, điều này đồng nghĩa với việc các đại học có thể chỉ cần tập trung cho công tác đào tạo và phát triển các kỹ năng phức tạp hơn như: tư duy phản biện, thương thuyết hay làm việc nhóm.
Nghiên cứu cho thấy MOOC đặc biệt hiệu quả trong việc đào tạo học viên ở các lĩnh vực kỹ thuật như ngành cơ khí.
MOOC có thể giúp nhiều người học cao học hoặc nghiên cứu sâu hơn – điều này dễ dàng hơn khi mà sinh viên có thể chọn học thử các khóa học trực tuyến ngắn hạn để trải nghiệm các chương trình học khác nhau của các đại học khác nhau trong cùng một ngành.
Hơn nữa, một số đại học đang xây dựng đề án chuẩn bị cung cấp bằng cấp chính thức trong các khóa MOOC. Vào tháng 5/2016, Đại học Leeds và Đại học Mở (Anh) đã bắt đầu cho phép sinh viên học MOOC để đổi lấy một số tín chỉ ở bậc đại học.
Việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào các khóa MOOC sẽ cho phép cá nhân hóa chương trình học dựa theo điểm mạnh và điểm yếu của từng người, đồng thời cải thiện mặt bằng giảng dạy chung nhờ các phân tích và thống kê hoạt động trực tuyến của sinh viên.
MOOC có phù hợp với bạn?
Nếu bạn đang có kế hoạch cho việc du học, bạn có thể chọn tham gia một số khóa MOOC trước để tìm hiểu và thu nạp một số kiến thức cơ sở, trước khi quyết định chọn trường và nộp đơn.
Nếu bạn đang là du học sinh, hoặc sắp du học xong, bạn vẫn có thể tham gia một vài khóa học trực tuyến để có thêm một số kỹ năng phụ hữu ích, hoặc để phát triển kiến thích chuyên sâu theo sở thích của bản thân.