Học dự bị, bước đệm vững chắc trước khi vào khóa đào tạo chính thức

Học dự bị là một trong những cách giúp sinh viên thỏa mãn được yêu cầu đầu vào của ngôi trường mơ ước. Chưa hết, đây còn là bước đệm vững chắc, giúp bạn chuẩn bị tốt cho khóa đào tạo và thích nghi nhanh chóng với môi trường học tập mới mẻ.

 

Nhân lên cơ hội vào trường lớn

Là một sinh viên quốc tế, bạn có thể sẽ rơi vào hoàn cảnh tréo ngoe nếu yêu cầu nhập học của trường cao hơn so với năng lực hiện tại của bản thân.

Lí do có thể là vì hệ thống giáo dục trước đây của bạn không tương hợp với hệ thống giáo dục của quốc gia mà bạn đang muốn theo học. Sự chênh lệch có thể nằm ở số năm; ví dụ, ở một số quốc gia, giáo dục trước đại học kéo dài 13 năm, nhưng ở hầu hết các quốc gia khác là 12 năm). Cũng có thể là năng lực ngoại ngữ của bạn được ban tuyển sinh đánh giá là chưa đủ để theo đuổi khóa học. Hoặc đôi khi cũng có thể vì ngôi trường bạn muốn theo học đòi hỏi ứng viên phải có một số bằng cấp hay điểm số ở một số môn nhất định, nhưng bạn lại chưa thỏa mãn được những điều kiện này do từng học trái ngành ở bậc học thấp hơn.

Khi đó, cách tốt nhất là tìm đến một khóa học dự bị (còn được gọi là foundation programmes, pathway programmes hay pre university course) để giúp hồ sơ xin học của bạn thuyết phục hơn trước ban tuyển sinh.

Nên nhớ rằng bạn hoàn toàn có thể nộp hồ sơ ứng tuyển vào một ngôi trường khác với ngôi trường bạn theo học chương trình dự bị, nhưng việc học dự bị tại chính trường Đại học mà bạn “cho vào tầm ngắm” sẽ thuận tiện hơn cho quá trình xét tuyển.

Một số chương trình còn đặt quan hệ đối tác với các trường Đại học lớn, nhằm tạo điều kiện cho sinh viên dễ dàng vào thẳng các trường này sau khi hoàn tất khóa dự bị. Vì thế, bạn nên tìm hiểu giá trị bằng cấp/chứng chỉ của chương trình dự bị để tận dụng tối đa khóa học này.

 

Rèn kỹ năng, tiếp cận chuyên môn ngành học

Khi tham gia vào một khóa học dự bị, ngoài việc nâng cao năng lực tiếng Anh, bạn còn được rèn luyện một số kĩ năng cần thiết cho quá trình học tập và làm việc, chẳng hạn kỹ năng nghiên cứu, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lí thời gian, kỹ năng viết luận… Một khi đã nắm vững các kỹ năng này, bạn sẽ không còn sợ hãi với phương pháp đào tạo vốn nhiều khác biệt ở các giảng đường nước ngoài.

Bên cạnh đó, điểm mấu chốt của các khóa dự bị còn nằm ở cả những kiến thức học thuật, giúp học viên làm quen với các lý thuyết, khái niệm cơ bản của lĩnh vực mà bạn muốn theo đuổi. Điều này giúp sinh viên có sự tiếp cận ban đầu với những phạm vi kiến thức sắp theo học. Thậm chí, một số trường còn công nhận tín chỉ từ chương trình dự bị, nên sau này bạn còn được miễn giảm một số môn trong khóa học chính thức.

Tại Mỹ, Anh, Hà Lan… các trường Đại học có thể cung cấp chương trình dự bị ngay tại trường. Ví dụ, những sinh viên tốt nghiệp Đại học trái ngành và có nguyện vọng theo đuổi chương trình Thạc sĩ Quản lí chiến lược của Đại học Tilburg (Hà Lan) sẽ phải tham gia một khóa dự bị thạc sĩ kéo dài 6 tháng của trường. Chương trình này bao gồm tối đa 30 tín chỉ, được thiết kế theo nhu cầu học thuật của mỗi cá nhân và chỉ dành cho sinh viên muốn ứng tuyển vào khóa học Thạc sĩ Quản lí chiến lược của trường.

Ở Trường Cao đẳng Quốc tế, Đại học Sheffield (Vương quốc Anh), học viên có thể theo đuổi chương trình dự bị ở cả hai bậc dự bị cử nhân hay dự bị thạc sĩ, thuộc lĩnh vực Kinh doanh, Luật và Khoa học Xã hội & Nhân văn hoặc Khoa học và Kỹ thuật. Dẫu chọn chương trình nào, bạn cũng sẽ được học một số môn học cốt lõi (core module) mà sinh viên chính khóa được học.

Trong khi đó, sinh viên du học Úc có thể theo học chương trình dự bị vào đại học ở cả các trường học lẫn cơ sở giáo dục và đào tạo nghề (VET – Vocational Education and Training) hay các trường Đại học và Cao đẳng có các chương trình nghiêng về Giáo dục và Thực hành (TAFE).

 

Sớm thích nghi với cuộc sống mới

Vì hầu hết các chương trình dự bị đều trực thuộc trường Đại học và đặt tại khu học  xá của trường, nên nhiều khả năng bạn sẽ được sử dụng tất cả các trang thiết bị của trường như những sinh viên chính khóa. Bạn sẽ được thoải mái ra vào thư viện trường, nhận được sự hướng dẫn từ giáo viên/trợ giảng cá nhân, sử dụng các thiết bị thực hành, nghiên cứu… Tất cả những cơ hội này là điều kiện lý tưởng để sớm thích nghi với cơ sở vật chất trong trường, tránh rơi vào hoàn cảnh bỡ ngỡ mà hầu hết các tân sinh viên không học dự bị sẽ phải đối mặt.

Và tất nhiên, việc sống chung trên khu học xá và tham gia vào các nhóm hội, câu lạc bộ sinh viên và sớm kết nối với những người bạn mới chắc chắn sẽ giúp bạn có một đời sống xã hội sinh động.

Tận dụng quãng thời gian dự bị với khối lượng bài vở chưa quá đồ sộ để thăm thú thành phố, tham gia một hoạt động ngoại khóa, giải trí ngoài giờ lên lớp, hay tìm kiếm công việc làm thêm phù hợp với sở trường của bản thân đều là cách nhanh nhất để giúp bạn thích nghi với cuộc sống mới.