Các trường đại học nước ngoài có ‘gia sư’?
Đúng vậy, bạn không nghe nhầm đâu, tutor là những người ‘cố vấn học thuật’ cho sinh viên trẻ ở các trường đại học nước ngoài, hay Việt hóa từ này thì ta có thể gọi họ là ‘gia sư’. Tutor đưa ra những lời khuyên và chỉ dẫn cho mỗi sinh viên, đặc biệt là sinh viên trẻ và sinh viên quốc tế để họ có thể điều chỉnh và thích nghi với phương pháp nghiên cứu bậc đại học, để rồi từ đó có thái độ tự tin và độc lập trong học tập hơn.
Các gia sư này cũng có những buổi trao đổi trực tiếp 1 – 1 với từng sinh viên để tư vấn riêng về một số chủ đề môn học và trả lời gần-như-tất-cả các thắc mắc khác mà du học sinh có thể mắc phải trong đời sống sinh viên nước ngoài.
Rất nhiều đại học và học viên trên thế giới có cung cấp dịch vụ gia sư (tutoring, mentoring) miễn phí/ trả phí cho du học sinh. Hãy đừng ngần ngại hỏi thăm thầy cô và phòng dịch vụ sinh viên để tìm hiểu về hoạt động hỗ trợ này. Các gia sư được ví von như những ‘ông bụt’ /’bà tiên’ của du học sinh năm nhất vì sự hướng dẫn của họ thực sự là kim chỉ nan cho du học sinh tự biết vượt qua những khó khăn bước đầu của cuộc sống sinh viên quốc tế, không để du học sinh ỉ lại sự dìu dắt của mình, nhưng họ luôn sẵn lòng gặp mặt và trò chuyện với mỗi em trong lúc khó khăn.
Cụ thể, các gia sư có thể giúp du học sinh:
- Sớm hòa nhập với môi trường đại học và cộng đồng sinh viên nước ngoài (đặc biệt là du học sinh năm đầu tiên)
- Theo dõi và đánh giá cả kết quả học tập lẫn lẫn hoạt động ngoại khóa của mỗi du học sinh xuyên suốt trong cả năm học
- Lắng nghe và tư vấn kịp thời cho mỗi du học sinh trong phương pháp nghiên cứu bậc đại học và cả những khó khăn cá nhân gây ảnh hưởng đến việc học
- Hỗ trợ định hướng du học sinh tìm kiếm các cơ hội thực tập và việc làm trước/ sau khi tốt nghiệp hoặc tư vấn các khóa cao học tùy theo khả năng và mong muốn của du học sinh.
Nhiều trường sẽ sắp xếp gia sư cho sinh viên quốc tế ngay sau khi bạn làm xong các thủ tục nhập học và chính thức trở thành sinh viên của trường. Phần lớn họ chính là các giảng viên, nhân sự, giám thị và một số sinh viên xuất sắc trong chính khoa của bạn để đảm bảo các gia sư luôn am hiểu về lĩnh vực mà bạn theo học.
Thực ra các buổi thảo luận giữa gia sư và sinh viên thường là hoạt động trao đổi kinh nghiệm học tập. Những lời khuyên đáng giá ở đây giúp sinh viên có thể tự nhìn nhận, tự đánh giá quá trình phát triển của mình điều chỉnh kịp thời những điểm còn yếu. Đây còn là cơ hội cho du học sinh xây dựng mối quan hệ với những chuyên gia trong lĩnh vực học tập của mình ngay từ trên ghế nhà trường.
Gia sư đại học nước ngoài khác gia sư Việt như thế nào?
Môi trường cũng như phương pháp học tập tại các đại học nước ngoài khác xa so với văn hóa học tại Việt Nam. Đó là bài học vỡ lòng về trách nhiêm của bản thân: “việc học là việc của bạn”. Mỗi du học sinh đều phải hoàn toàn tự chủ trong học tập. Sinh viên ở đại học nước ngoài sẽ không bao giờ bị chép phạt hay bị mời phụ huynh nếu chưa làm bài tập về nhà hoặc bỏ lớp.
Các giảng viên kiêm gia sư ở đại học nước ngoài không giống như giáo viên dạy kèm cấp 1,2,3 ở Việt Nam. Họ không có thời gian cho việc la mắng hay trách móc nếu bạn đi học muộn hoặc bỏ lớp. Đơn giản là vì họ phải cống hiến phần lớn công sức để ‘làm nghiên cứu’ để đưa ra các báo cáo khoa học mới, và chỉ dành một phần nhỏ thì giờ để ‘làm thầy’ – truyền đạt kiến thức cho sinh viên mà thôi.
Mỗi gia sư sẽ có cách trao đổi và hỗ trợ sinh viên rất khác nhau, vì vậy bạn nên cởi mở bàn về điều này ngay từ trong buổi gặp đầu tiên để hiểu đúng về những gì họ có thể giúp bạn. Nhiều gia sư không muốn ‘cầm tay chỉ việc’ cho sinh viên nên không phải lúc nào kỳ vọng của bạn cũng đúng như thực tế.
Bạn nên chủ động liên lạc với gia sư của mình để sắp xếp thời gian và chuẩn bị sẵn các câu hỏi trước buổi gặp, để tránh mất thời gian. Hãy chia sẻ thành thật về năng lực của bản thân để có thể nhận được sự tư vấn tốt nhất.
Gia sư của bạn rất có thể sẽ là người sẽ viết thư giới thiệu cho bạn sau này, vậy nên hãy đừng xin lời khuyên định hướng nghề nghiệp từ họ. Để có được một mối quạn hệ khăng khít và tin tưởng lẫn nhau, bạn nên chủ động giữ liên lạc thường xuyên qua email và hẹn gặp mặt trực tiếp gia sư của mình ít nhất một lần trong mỗi học kỳ. Chỉ khi hiểu rõ được mong muốn và khả năng của bạn, thì những bức thư giới thiệu của họ cho bạn mới thực sự cụ thể, xác thực và hiệu quả.