Tết ở Trung Quốc và những điều du học sinh cần biết

Tết Nguyên đán còn được biết đến như là Lễ hội mùa xuân ở cả Trung Quốc và nhiều nước châu Á khác. Đây là kỳ nghỉ quan trọng nhất trong năm – khi mà các thành viên trong gia đình từ khắp nơi trên thế giới đều cố gắng sắp xếp công việc để trở về nhà, thăm hỏi họ hàng, bạn bè, ăn các món ăn cổ truyền ngày Tết, đốt pháo hoa, mừng tuổi (lì xì) cho người già, trẻ nhỏ để có một năm nhiều sức khỏe và may mắn, thế nên Tết còn được ví von là dịp ‘di cư lớn nhất trên thế giới hàng năm’.

Ở Trung Quốc, kỳ nghỉ kết thúc với Lễ hội đèn lồng vào ngày 15 của tháng đầu tiên (ngày rằm tháng Giêng). Cùng xem Tết Nguyên đán ở Trung Quốc thì khác gì so với Việt Nam chúng ta nhé.

Từ truyền thuyết…

Tương truyền, dịp lễ này là để tưởng nhớ ơn các vị thần và tổ tiên. Theo truyền thuyết Trung Quốc, năm mới bắt đầu khi một sinh vật huyền thoại gọi là Nian, một con vật sống sâu dưới đáy đại dương hoặc trong rừng thẳm, một sinh vật lai giữa sư tử và rồng, sẽ bắt đầu tấn công và ăn thịt con người -phần lớn là trẻ em vào đầu năm. Dân làng phải kéo nhau đi trốn. Một năm nọ có một ông lão xuất hiện trong làng và nói rằng ông đã tìm ra cách. Đêm hôm đó, ông bao phủ cả làng với giấy đỏ và pháo hoa.

Người dân trong làng cho rằng ông lão bị điên, cho đến sáng hôm sau, họ trở về làng và nhận thấy ngôi làng được bình yên vô sự thì hồ hởi vui mừng nghĩ rằng ông lão chính là vị thần được cử đến để cứu người dân. Nhưng sự thật là Nian sợ tiếng ồn lớn và màu đỏ. Từ đó, người dân trong làng luôn chọn mặc áo quần màu đỏ vào dịp đầu năm, treo đèn lồng đỏ, và bắn pháo hoa để xua đuổi Nian. Phong tục này được giữ cho đến tận ngày nay.

Cho đến phong tục ngày nay

Thần thoại Nian hiện nay chỉ còn là một giai thoại được truyền miệng nhằm răn dạy cách ứng xử tốt hơn. Thực ra, người dân Trung Quốc coi Tết là dịp xua đuổi những xui xẻo trong năm cũ và phải ăn mừng để chào đón những may mắn cho năm mới.

Cũng vì quan niệm đó mà người Trung Quốc dùng hình tượng các con giáp được gắn liền với các năm để phán đoán thời vận của mỗi cá nhân trong năm mới. Các ngôi nhà sẽ được lau chùi quét dọn từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, những đồ trang trí của năm cũ được đem đi đốt để thay bằng những cái mới – đó là cách mà các gia đình mong muốn xua đuổi những điều rủi ro của năm ngoái để đón chào những cơ hội của năm nay. Đặc biệt trong các gia đình theo đạo Phật hoặc đạo giáo, bàn thờ và các bức tượng thánh thần được chú ý làm sạch hơn cả.

Trang phục

Màu đỏ được chọn để may trang phục ngày Tết, mang màu đỏ trên người cũng là để cầu mong may mắn đến với thân chủ, đặc biệt nếu đây là năm tuổi của bạn. Vì từ “tóc” và “thịnh vượng” phiên âm gần giống nhau trong tiếng Hoa, nên khi ‘cắt tóc’ sẽ giống như cắt mất sự giàu sang thịnh vượng, do vậy việc cắt tóc sau Tết bị cho là rất xui xẻo,

Những món ăn ngày Tết

Cả đồ ăn lẫn đồ cúng ngày Tết đều được nấu với nhiều loại thịt. Các món ăn được chuẩn bị công phu với nhiều ý nghĩa đặc biệt, trong đó các món cá tượng trưng cho sự may mắn vì từ ‘cá’ trong tiếng Trung phát âm gần giống với ‘dư giả’. Các món mỳ cũng được ăn nhiều trong dịp Tết cầu mong cho cuộc sống dài lâu trường tồn.

Ở miền Bắc Trung Quốc, mọi người thường hay làm món bánh bao jiaozi để ăn lúc giao thừa vì nó tượng trưng cho đồng tiền cổ sycee nên khi ăn bánh này sẽ hy vọng mang lại nhiều tài lộc. Thường thì một cái bánh sẽ được làm đặc biệt ngọt, hoặc mặn, hoặc có đồng xu bên trong, để ai ăn đúng cái bánh đặc biệt này thì sẽ được may mắn cả năm. Ở miền Nam Trung Quốc thì bánh nếp niangao truyền thống thường được làm để tặng cho họ hàng và bạn bè trong dịp Tết.

Pháo hoa và múa lân

Ở Việt Nam, việc đốt pháo đã được cấm từ năm 1995, vì nó thường gây ra tiếng ồn lớn, và có những nguy hiểm tiềm ẩn. Nhưng truyền thống Trung Quốc vẫn còn duy trì thói quen này vì việc đốt pháo hoa trong đêm giao thừa được coi là để xua đuổi Nian, và người đốt pháo hoa đầu tiên sẽ gặp may mắn cả năm.

Dịp Tết cũng là lúc người Trung Quốc hào hứng với vô số đoàn múa lân, múa rồng theo nghệ thuật truyền thống diễu hành trên đường phố.

Bao lì xì

Điều được mong đợi nhiều nhất trong dịp Tết, đặc biệt là với trẻ em, là được nhận bao lì xì (hongbao). Bao lì xì màu đỏ thường chứa tiền may mắn. Tiền lì xì thường phải là tiền mới thì mới mang lại may mắn, và được đặt trong bao để giữ tờ tiền luôn đẹp. Khi đã nhận bao lì xì bằng hai tay, bạn hãy nhớ không nên mở ra tại chỗ, mà phải nói cảm ơn, cất vào túi và mở ở nơi riêng tư nhé!

Một số điều cấm kỵ trong dịp Tết của người Trung Quốc:

  • Mặc đồ cũ
  • Gội đầu, giặt quần áo – bạn sẽ giũ sạch may mắn của bạn mất!
  • Ăn cháo – vì nó liên tưởng đến sự nghèo đói
  • Tặng trái lê hoặc hoa tươi – chúng ngụ ý rằng cái chết và sự xa cách đang đến gần
  • Bất cứ cái gì liên quan đến số bốn – vì nó có phát âm gần giống với chữ ‘tử’ nghĩa là chết, và cũng đừng tặng cái gì gồm bốn phần
  • Dùng dao hoặc kéo – nó sẽ cắt mất sự giàu có
  • Cho mượn hoặc đi mượn tiền – nó sẽ khiến bạn mắc vào nợ nần
  • Đến bệnh viện – bạn sẽ dính vào các vấn đề liên quan đến sức khỏe
  • Tặng đồng hồ – nó có ý nghĩa là bạn không còn nhiều thời gian
  • Mang quần áo màu đen hoặc trắng – những gam màu xui xẻo
  • Khóc, hoặc làm vỡ bát đĩa

 

Và hãy nhớ nói với mọi người ‘Chúc Mừng Năm Mới’ (chun jie kuai le) (春节快乐) trong dịp này nhé!