Mất hộ chiếu và giấy tờ tuỳ thân khi sang nước ngoài không phải là chuyện hiếm, và điều này đặc biệt sẽ gây ra nhiều rắc rối khi bạn ở nơi đất khách quê người.
Nếu bạn không may gặp phải tình huống này, hãy bình tĩnh và đừng lo lắng vì cách giải quyết rất đơn giản và nhanh chóng!
- Liên hệ khu vực đồ thất lạc
Nếu hộ chiếu và giấy tờ bị thất lạc ở sân bay, nhà ga hoặc bến tàu, hãy cố gắng tìm lại thật kỹ các khu vực mà mình đã đi qua, đồng thời nhanh chóng liên hệ quầy hành lý thất lạc để nhờ hỗ trợ.
Anh Alejandro Arevalo - đối tác của chúng tôi ở BMI, đã chia sẻ một số kinh nghiệm của bản thân về lần mất hộ chiếu ở Áo: “Lúc đó tôi đang đi du lịch Châu Âu. Lần cuối tôi nhìn thấy hộ chiếu của mình là khi tôi đang hỏi ai đó về chuyến tàu đi từ Slovakia đến Áo. Tôi không rõ đã làm rơi trên tàu hay là đã bị trộm ở nhà ga. Đó có lẽ là khoảnh khắc đáng sợ nhất mà tôi không thể nào quên. Trước hết tôi đến khu vực đồ thất lạc tại nhà ga để tìm thử. Thông thường nhân viên nhà ga sẽ nhặt được các giấy tờ này khi họ quét dọn xung quanh nhà ga.”
- Xin giấy xác nhận của cảnh sát và trình báo cơ quan đại diện ngoại giao
Khi không thể tìm thấy giấy tờ ở khu vực bạn bị mất cắp/thất lạc, hãy thông báo nhanh nhất có thể với cảnh sát nước sở tại và Cơ quan Đại diện Ngoại giao Việt Nam gần nhất (Lãnh sự quán, Đại sứ quán). Đây là điều cần thiết và bắt buộc bạn phải làm để tránh bị kẻ gian lợi dụng giấy tờ của bạn.
Cảnh sát nước sở tại sẽ cấp cho bạn giấy xác nhận mất hộ chiếu để đối chứng về sau khi cần phải xin cấp lại visa hay gần nhất là để xin cấp hộ chiếu khẩn cấp để quay lại đất nước bạn đang sinh sống. Ngoài ra, đây là tấm giấy giúp bạn có thể tìm tới sự trợ giúp của các tổ chức, cá nhân trong trong quá trình lưu lại nước ngoài.
Tiếp theo, bạn cần tìm đến các cơ quan ngoại giao Việt Nam đặt tại nước sở tại. Ở đây bạn sẽ nhận được những sự trợ giúp, hướng dẫn cho những bước tiếp theo để làm lại hộ chiếu mới.
Anh Alejandro chia sẻ: “Tôi đánh mất hộ chiếu vào thứ sáu, vì vậy tôi nên tôi quyết định đợi đến thứ hai để đến khu vực đồ thất lạc tìm lại. Nhưng cuối cùng vận may đã không đến. Tôi đã liên hệ Lãnh sự quán nước mình tại Áo ngay sau đó để nhờ giúp đỡ. Lãnh sự quán yêu cầu tôi cung cấp các thông tin về hộ chiếu bị mất, giấy xác nhận mất hộ chiếu của cảnh sát, 2 ảnh 4x6 và nộp lệ phí vào tài khoản ngân hàng của Lãnh sự quán để làm lại hộ chiếu mới.
Rất may là tôi vẫn nhớ hết các thông tin trong hộ chiếu như ngày cấp, ngày hết hạn, số hộ chiếu của mình. Tuy vậy nhưng tôi khuyên bạn tốt nhất nên mang theo bản sao hộ chiếu và các giấy tờ quan trọng để đề phòng trường hợp tương tự.
Tiếp đó, tôi đến đồn cảnh sát để trình báo về việc mất hộ chiếu. Vì Lãnh sự quán cũng sắp đến giờ đóng cửa nên tôi nhờ một người bạn chuyển khoản phí làm lại hộ chiếu trong lúc tôi đang giải trình với cảnh sát . Quá trình xử lý thật sự rất nhanh, nếu có mất thời gian thì chủ yếu ở khâu xếp hàng chờ khai báo tại đồn cảnh sát mà thôi.
Cuối cùng, tôi đi chụp vài tấm ảnh để làm hộ chiếu và quay về Lãnh sự quán. Chưa đầy nửa tiếng sau, tôi đã có hộ chiếu mới.
Vấn đề cấp lại visa cũng khá đơn giản. Tôi đến Lãnh sự quán Latvia tại Viên để được cấp visa mới và điền mẫu đơn xin cấp visa, nộp thêm một bản sao giấy xác nhận mất hộ chiếu của cảnh sát và ảnh chụp để cấp visa mới.”
Bạn thấy đấy, quá trình giải quyết rất đơn giản và nhanh chóng nếu bạn bình tĩnh tiến hành từng bước. Ngoài ra, trong trường hợp cần quay về nước khẩn cấp, Lãnh sự quán sẽ cấp cho bạn một giấy thông hành khẩn cấp để có thể về nước thuận lợi.
- Những kinh nghiệm cần lưu ý khi ra nước ngoài:
1. Chuẩn bị sẵn một số giấy tờ tùy thân: Trước khi du lịch, hãy bỏ túi ít nhất ba ảnh 4x6, photo trang thông tin trên hộ chiếu, chứng minh thư nhân dân, visa và các giấy tờ quan trọng khác. Chú ý không kẹp giấy tờ quan trọng, tiền hay thẻ tín dụng trong hộ chiếu. Tốt nhất nên scan và lưu lại trong email hoặc bất kỳ trang web lưu trữ mà bạn có thể dễ dàng truy cập dù ở bất cứ đâu.
2. Hạn chế mang theo hộ chiếu ra ngoài trong những trường hợp không cần thiết. Tốt nhất nên để ở két sắt khách sạn hoặc một nơi an toàn, chỉ cần đem theo bản photo để xuất trình khi cơ quan chức năng yêu cầu. Nếu bạn đang ở một đất nước cần có thị thực mới được xuất nhập cảnh, hãy yêu cầu họ không được giữ hộ chiếu gốc vì đó là giấy tờ tuỳ thân duy nhất bạn có khi đang ở một đất nước xa lạ.
3. Tra cứu và lưu lại địa chỉ, số điện thoại của đại sứ quán hoặc lãnh sự quán Việt Nam tại nước ngoài.
4. Nếu không có nhiều thời giờ, hãy báo ngay với Cảnh sát và tránh các trường hợp cần phải sử dụng các giấy tờ khác để chứng minh nhân thân. Sau đó nhanh chóng đến Lãnh sự quán Việt Nam để xin cấp lại hộ chiếu tạm thời.
5. Liên liên lạc với các Lãnh sự quán hoặc Đại sứ quán để xin lại visa. Tranh thủ gọi điện thoại hoặc gửi email cho họ trước để tiết kiệm thời gian trong khi đang chuẩn bị các thông tin cần thiết theo yêu cầu. Và nhớ liên lạc với Lãnh sự quán Việt Nam nhờ hướng dẫn các bước tiếp theo để về nước an toàn.
6. Nếu nơi bạn đang ở không có cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam nào, hãy liên lạc với những người mình quen ở đó. Họ chắc chắn sẽ giúp bạn giải quyết tình huống rắc rối này. Trong trường hợp bạn hoàn toàn không có địa chỉ liên hệ của bất kỳ người quen nào ở nước ngoài, hãy tra thông tin các Hội sinh viên Việt Nam hoặc các nhóm cộng đồng người Việt tại đất nước/thành phố đó để nhờ giúp đỡ. Ít nhất bạn cũng sẽ được mọi người chỉ dẫn các bước cần làm hay thậm chí là cho ở nhờ trong vài ngày!
7. Và cuối cùng, hãy giữ bình tĩnh và đừng quá lo lắng! Bạn không phải là người đầu tiên gặp trường hợp này. Cảnh sát và Lãnh sự quán sẽ cho bạn những lời khuyên và sự hướng dẫn cặn kẽ nhất.
Hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp các bạn tự tin hơn và giải quyết vấn đề dễ dàng nếu gặp phải tình huống tương tự. Chúc bạn có một chuyến đi an toàn và vui vẻ!