Sốc văn hóa không phải là hiện tượng gì mới mẻ và luôn được cộng đồng du học sinh tương lai chuẩn bị đối phó kĩ càng trước khi xách vali lên đường. Thế nhưng sốc văn hóa ngược – hiện tượng thường xảy ra khi du học sinh trở về quê nhà, lại bị xem nhẹ và ít được đề cập đến. Chính vì không ai kì vọng mình sẽ bị sốc ngay trong môi trường thân thuộc nhất, những cú sốc văn hoá ngược khó đoán hơn và mang lại ảnh hưởng nặng nề hơn so với sốc văn hoá khi đi du học.
Liệu bạn đã từng bị sốc văn hoá ngược?
Ít hay nhiều, du học sinh nói riêng và những người sống tại nước ngoài trong một thời gian dài nói chung đều trải qua cú sốc văn hoá ngược. Học tập và làm việc trong một nền văn hoá hoàn toàn khác biệt suốt một thời gian dài là trải nghiệm sâu sắc làm thay đổi con người ở cả khía cạnh cá nhân và sự nghiệp. Trải nghiệm này cho phép bạn nhìn thấy những chuẩn mực và giá trị cũ ở quê nhà theo một một góc nhìn mới mẻ. Mọi thứ bạn đã từng thấy giờ khi nhìn lại như được chiếu lên một thứ ánh sáng mới lạ. Robin Pascoe, tác giả cuốn sách Homeward Bound, viết: Cú sốc văn hoá ngược có cảm giác giống như bạn đang đeo kính áp tròng nhưng sai mắt vậy.
Cụ thể, Bruce La Brack từ Trường Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Thái Bình Dương cho biết những thách thức hàng đầu của du học sinh khi về nước thường là các mối quan hệ đã thay đổi, khó diễn đạt trôi chảy bằng tiếng mẹ đẻ, quên đường sá, phải học lại cách tham gia giao thông, có xu hướng so sánh và khó làm quen với những điểm trừ lạc hậu trong lối sống cũ.
Bạn đang ở giai đoạn nào của cú sốc văn hoá ngược?
Sốc văn hoá và sốc văn hoá ngược đều gồm 4 giai đoạn lên xuống theo đồ thị hình W: Trăng mật – khủng hoảng – phục hồi – thích nghi. Biết được bạn đang ở giai đoạn nào sẽ giúp bạn chuẩn bị tâm lý tốt hơn để đối phó với cú sốc.
Giai đoạn đầu tiên là khi bạn hào hứng trở về gặp lại bạn bè và gia đình, lê la quán xá yêu thích. Tuy nhiên, giai đoạn này không kéo dài lâu mà chuyển dần sang khủng hoảng do nhiều việc xảy ra không giống như bạn kì vọng. Với du học sinh không nghĩ mình bị sốc văn hoá khi trở về, giai đoạn khủng hoảng có thể nghiêm trọng hơn. Khi đã chấp nhận bản thân đang trong cú sốc văn hoá, và hiểu rằng việc này là hoàn toàn bình thường, bạn bắt đầu làm quen dần với cuộc sống hiện tại, bước vào giai đoạn phục hồi và thích nghi. Đối với một số người trải nghiệm sốc văn hoá chỉ diễn ra trong vài tuần, với những người khác có thể mất cả năm trời.
4 giai đoạn của sốc văn hoá và sốc văn hoá ngược
Cách đánh bại cú sốc văn hoá ngược
Linh hoạt và chuẩn bị cho những điều bất ngờ là chìa khoá giúp bạn vượt qua giai đoạn khó khăn lúc mới du học, cũng là chiếc đệm giảm sóc khi trải qua cú sốc văn hoá lúc trở về nhà.
- Chuẩn bị cho trận chiến
Chuẩn bị tâm lý và lên kế hoạch cho chuyến đi trở về quê hương là cách giúp bạn vượt qua các giai đoạn sốc văn hoá nhẹ nhàng và nhanh chóng. Trước khi kết thúc khoá học, bạn nên dành thời gian suy nghĩ một số việc bạn cần làm và nên làm trước khi rời đi, những vấn đề có thể gặp phải khi quay lại Việt Nam cùng cách giải quyết. Lập danh sách những việc cần hoàn thành trong vài tháng tới trước khi bạn trở về nhà. Hotcourses gợi ý bắt đầu với các nhiệm vụ “khởi động” như: Thanh lý các món đồ không mang theo, lưu lại thông tin liên hệ của bạn học, lên lịch sắp xếp và đóng gói dần đồ đạc, cập nhật CV và trang LinkedIn để tìm việc … Nếu bạn để mọi việc chồng chất, rất có khả năng một số công việc sẽ không kịp thực hiện, khiến bạn thêm căng thẳng trước chuyến đi trở về quê hương.
- Tạm biệt cuộc sống cũ
Thích nghi với cuộc sống ở Việt Nam sẽ khó khăn hơn với du học sinh hoà nhập tốt trong nền văn hóa của quốc gia bạn đi du học. Một phần thiết yếu của việc tái hoà nhập là kết thúc trải nghiệm du học thật trọn vẹn. Nếu bạn cảm thấy mình chưa sẵn sàng nói "tạm biệt", sẽ rất khó để bạn chấp nhận cuộc sống mới khi trở về nhà. Vì vậy, trước khi hành trình du học đi đến hồi kết, hãy làm mọi thứ có thể để chắc chắn bạn không hối tiếc. Dưới đây là một vài gợi ý dành cho bạn:
• Ghé thăm tất cả các điểm “must see” trước khi về nước
• Chụp thật nhiều ảnh và video để lưu giữ kỉ niệm
• Mua quà lưu niệm và săn hàng giảm giá,
• Tổ chức một bữa tiệc nhỏ để gặp mọi người trước khi bạn rời đi
Đây cũng là thời điểm hoàn hảo để lưu lại liên hệ của những người thú vị bạn quen khi đi du học. Bạn cũng sẽ muốn đưa địa chỉ email, Facebook, hoặc LinkedIn cho họ để tiện liên lạc trong tương lai. Và cuối cùng, ưu tiên những hoạt động vừa sức và dễ thực hiện hơn là tập trung vào những kế hoạch lớn lao mà không bao giờ hoàn thành nó. Bạn cũng cần lý do để quay trở lại chứ.
- Chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của mình
Mặc dù khi về nước có thể bạn cảm thấy số đông không hiểu mình, sẽ có những người bạn thân thiết thực sự quan tâm và cởi mở lắng nghe các vấn đề bạn đang gặp phải. Bạn cũng có thể viết blog, liên hệ với những cựu du học sinh đã từng trải qua cú sốc văn hóa ngược. Khó có thể tìm được ai khác đồng cảm với những gì bạn đang trải qua và đưa ra lời khuyên hữu ích hơn trong việc đối phó với khác biệt văn hoá. Liên lạc với những người bạn ở nước ngoài để cập nhật tình hình của nhau và kể cho họ nghe về cuộc sống mới của bạn hiện tại cũng là một cách bù đắp cho bất kỳ “thiếu hụt giao tiếp” nào bạn đang trải qua.
- Duy trì các thói quen tốt
Giữ vững chế độ ăn uống hợp lý và tập thể dục sẽ giúp bạn có năng lượng vượt qua thời kì khủng hoảng tái hoà nhập. Lập kế hoạch và mục tiêu để theo đuổi cũng là cách để hình thành các thói quen hữu ích thường ngày, mang lại sự ổn định và cảm giác cuộc sống mới của bạn hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát, nhờ đó mà giảm bớt căng thẳng. Dành thời gian thư giãn, cập nhật các tin tức văn hoá, xu hướng, nhớ lại đường xá, nối lại các mối quan liên cũ, cũng như tránh những tình huống đặc biệt căng thẳng hay làm việc quá sức. Khi bạn đặt mục tiêu và thực hiện nó thành công, bạn sẽ cảm thấy tình trạng hiện tại tốt dần lên. Chỉ cần nhớ rằng bạn đang trải qua cú sốc văn hóa ngược, tự giai đoạn này sẽ qua đi khi bạn điều chỉnh lại bản thân.
Nguồn: Expatica