Từ rất lâu, tôi đã luôn ao ước được đi du học ở nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản. Dù đã chuẩn bị khá kỹ cho chuyến đi này, nhưng tôi vẫn không ngờ nó lại có tác động lớn tới bản thân mình như vậy. Trải nghiệm du học ở Nhật thật sự vượt ra ngoài mong đợi của tôi rất nhiều.
Tôi tên là Valeria, là người Argentina, và tôi nhận được học bổng của Chính phủ Nhật để nghiên cứu đề tài Thạc sĩ về Chính sách hợp tác quốc tế ở Đại học châu Á Thái Bình Dương Ritsumeikan (APU) từ năm 2011 đến năm 2013.
Là một người mang dòng máu Nam Mỹ, châu Á trong mắt tôi là một vùng đất xa lạ và kỳ thú – một nơi luôn đầy rẫy những thách thức mới mẻ và buộc tôi phải tự kiểm nghiệm lại quan điểm của mình về thế giới.
Không biết có phải do mê ăn sushi, đọc truyện hay xem phim Nhật nhiều quá hay không, nhưng chắc chắn đất nước này đã là cái tên chiếm trọn tâm trí và đam mê của tôi khi nghĩ về châu Á.
Thời gian du học Nhật giúp tôi nhận ra nhiều điểm khác biệt về ngôn ngữ, lịch sử và văn hóa giữa các nước châu Á. Nhưng thứ khiến tôi trầm trồ và ấn tượng với người Nhật nhất có lẽ là gu thẩm mỹ của họ trong nghệ thuật bài trí, sắp xếp và “tư tưởng (vì) số đông” (điều mà tôi đã được học từ một khóa chuyên đề vềgiao tiếp trong môi trường đa văn hóa). Một xã hội theo tư tưởng số đông là nơi luốn đề cao phẩm chất cao đẹp của sự tử tế và khuyến khích mọi người phải biết quan tâm và giúp đỡ lẫn nhau.
Tôi thấy mình thật may mắn vì trường APU tọa lạc ở Beppu – một thị trấn nổi tiếng khắp nước Nhật với mạng lưới suối nước nóng rộng khắp. Beppu được thiên nhiên đặc biệt ưu ái ban cho một phong cảnh vô cùng xinh đẹp nhờ sự kết hợp đa dạng của cả biển, núi và các con suối với rất nhiều mạch nước nóng phun lộ thiên. Nhờ đó, tôi có thể vừa học vừa tận hưởng thiên nhiên xung quanh.
Giữa rất nhiều đại học tốt ở Nhật, APU khiến tôi chú ý nhất nhờ nội dung Đào tạo Cao học rất hay và nhà trường ưu tiên nhiều hoạt động thúc đẩy hợp tác quốc tế. Tất cả các khóa Thạc sĩ và Tiến sĩ ở đây đều được dạy bằng tiếng Anh nên tôi thấy tự tin học tập dù vốn tiếng Nhật còn rất khiêm tốn.
Tôi rất thích tham dự các chương trình phát triển nghề nghiệp cho sinh viên ở APU. Những sự kiện này tạo ra là hành trang tuyệt vời cho tôi và các sinh viên khác tìm kiếm công việc tương lai. Nhiều tổ chức và công ty tên tuổi giới thiệu cơ hội việc làm thông qua những chương trình này, và cho tôi cơ hội làm quen với những lãnh đạo đã từng làm việc ở đó để hỏi thông tin chi tiết và xin lời khuyên. Đây chỉ là một trong rất nhiều cách mà trường giúp cho sinh viên kết nối với giới doanh nghiệp và chuyên gia. Các giảng viên của APU thì hầu hết đã từng là chuyên gia làm việc ở các lĩnh vực khác nhau, nên những gì họ truyền dạy thực sự đi từ những kinh nghiệm trực tiếp trong công việc.
Mỗi khi làm việc nhóm trong lớp là tôi lại có thêm cơ hội nâng cao các kỹ năng giao tiếp đa văn hóa và phối hợp ăn ý hơn với mọi người nhờ tìm thấy sự đồng cảm nhanh nhạy hơn. Được làm bài tập và đi thực địa khắp nơi cùng các học viên khác thực sự mài giũa tôi thành một người có đầu óc mở. Ngoài các môn về các Chính sách Hợp tác quốc tế, tôi còn nhớ rất nhiều kỷ niệm khi học về phương pháp trình bày vấn đề để tạo thiện chí và thuyết phục sự hợp tác của con người dẫu cho họ có xuất thân xã hội và bối cảnh văn hóa khác nhau. Nhờ đó, hiểu biết của tôi ngày một sâu sắc hơn và thế giới quan của cá nhân cũng trở nên rộng mở hơn.
Quãng thời gian du học và sinh sống ở Nhật đã thực sự làm mới con người tôi nhờ vô số những câu chuyện và con người tôi đã gặp từ khắp nơi trên thế giới. Tôi hiện đang là một chuyên gia về Kinh tế và Hợp tác quốc tế tại Task Force of Digital Economy for the G20 (tạm dịch: Lực lượng đặc biệt về Kinh tế Số của G20). Nếu ngày ấy tôi không quyết định đi Nhật, thì có lẽ sự nghiệp của tôi sẽ không thể có được ngày hôm nay.
Tác giả: Valeria Escliar – chuyên gia Kinh tế và Hợp tác Quốc tế đến từ Argentina, hiện đang công tác tại Task Force of Digital Economy for the G20 – cựu nghiên cứu sinh tại trường Đại học châu Á Thái Bình Dương Ritsumeikan năm 2013.