Trường nào đỉnh hơn: Oxford hay Cambridge?

Nhắc đến nước Anh thì không thể không nhắc đến cái tên Oxford và Cambridge – hai ngôi trường danh giá và lâu đời nhất thế giới. Cũng bởi mối quan hệ ‘thân thiết’ của hai ngôi trường này mà tên gọi “Oxbridge” từ đó ra đời.

Hãy cùng tìm hiểu điểm tương đồng và sự khác biệt giữa hai ngôi trường cổ kính nhất xứ sở sương mù nhé.

 

Chương trình học

Phần đông mọi người thường nghĩ rằng Đại học Oxford nổi tiếng về các ngành học nhân văn như Văn học, Triết học, Nghệ thuật và Địa lý, còn Đại học Cambridge lại thiên về các ngành khoa học như Toán học, Sinh học, Hoá học… Nhưng thực ra cả Oxford và Cambridge đều là hai đầu tàu trong tất cả mọi lĩnh vực học thuật.

Tuy nhiên, không phải ngành học nào cũng đều được giảng dạy ở cả hai trường: ví dụ như ngành Kiến trúc chỉ có tại Cambridge, còn ngành Nghệ Thuật chỉ có thể tìm thấy tại Oxford. Nếu Oxford có tấm bằng PPE (Triết học, Chính trị và Kinh tế) danh tiếng khắp thế giới, thì Cambridge lại có khóa HSPS (Khoa học nhân văn, Xã hội và Chính trị) cực kỳ cao cấp. 

 

Cơ cấu giảng dạy

Cả hai ngôi trường đều là tổ hợp của nhiều phân viện đại học và khu học xá gộp lại, vậy nên cộng đồng sinh viên và các giáo sư ở Oxbridge luôn có sự gắn bó và gần gũi với nhau.

Cả hai trường đều có một cơ quan xuất bản của riêng mình, hệ thống các vườn bách thảo, các hội tranh biện cho sinh viên, trường kinh doanh, bảo tàng khoa học, câu lạc bộ kịch nghệ và hệ thống thư viện riêng tại mỗi trường.

Phương pháp giảng dạy ở hai trường khá giống nhau: sinh viên tham gia các lớp học (bài giảng được áp dụng thực tiễn dựa theo từng  khoá học) và mỗi học viên đều được gặp gỡ riêng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực của mình. Điểm khác biệt duy nhất ở đây chỉ là cách hai trường gọi tên những buổi gặp gỡ này: nếu người của Oxford gọi đây là ‘tutorials’ thì người của Cambridge lại gọi là ‘supervisions’. 

 

Vị trí 

Một nét khác biệt chính cũng rất dễ thấy là địa điểm toạ lạc của hai ngôi trường. Thành phố Oxford có phần rộng lớn hơn, mang hơi thở đô thị và công nghiệp hoá, còn Cambridge có diện tích nhỏ nhắn với các ngành nông nghiệp là chủ đạo. Tuy vậy cả hai thành phố này đều có quy mô rất khiêm tốn và đều chỉ cách Luân Đôn tầm 1 tiếng đi tàu. 

Nhìn chung Cambridge luôn mang một vẻ đẹp thơ mộng và dịu dàng, còn Oxford toát lên nét đồ sộ và hùng vĩ. Nhưng đây hoàn toàn chỉ là ý kiến chủ quan của cá nhân mình, dù sao đi nữa thì hai ngôi trường cũng đều mang lại những ấn tượng vô cùng khó quên.

 

Truyền thống

Mỗi trường đều có lịch sử hàng trăm năm tuổi nên bạn sẽ không mấy ngạc nhiên khi thấy những truyền thống “kỳ lạ” và rất độc đáo còn lưu giữ tận đến ngày nay. Sinh viên hai trường đều thường tiến hành nhiều nghi lễ bằng tiếng Latinh, họ còn thích mặc áo choàng và chơi các môn thể thao ‘cổ đại’, như môn quần vợt “real tennis” và “fives”.

Mỗi trường đều có cách duy trì và thay đổi truyền thống của mình theo cách riêng. Oxford vẫn bắt buộc sinh viên phải mặc đồng phục trong mỗi kỳ thi, nhưng Cambridge đã không còn quy định này. Đại học Cambridge vẫn giữ lực lượng cảnh vệ riêng của trường, nhưng Oxford lại xóa bỏ tổ chức này vào năm 2003.

Xét cho cùng thì Oxford vẫn là trường lưu giữ nhiều truyền thống kỳ quặc nhất, như: thời gian biểu riêng của trường, trò đi lùi vào ban đêm hay lễ hội đua rùa (Tortoise Fair) của sinh viên nơi đây – Oxford quả là đỉnh điểm của sự “khác thường”.

Hai hoạt động truyền thống tiêu biểu ở cả hai ngôi trường này vẫn còn được phát huy đến ngày nay là Matriculation (cơ chế xét tuyển đầu vào) và Formal Hall (bữa tiệc lớn mà tất cả sinh viên phải mặc lễ phục và ngồi ăn tại những chiếc bàn dài gần giống như những buổi tiệc ở trường Hogwarts trong Harry Potter). 

 

Cuộc đua giữa hai ngôi trường

Vì đều có lịch sử đồ sộ và thành tích lâu đời như thế nên sinh viên giữa hai trường luôn có cái nhìn so sánh và cạnh tranh với nhau ở nhiều phương diện.

Tiêu biểu nhất là trong cuộc đua thuyền hàng năm – được tổ chức đầu tiên vào năm 1829, cuộc đua là nơi các câu lạc bộ chèo thuyền của hai trường cùng thi đấu với nhau trên chặng đua dài tới 6 cây số dọc theo sông Thames. Hai trường còn tranh đấu trong cả giải bóng bầu dục Rugby Union và Rugby League. Cả ba sự kiện thể thao lừng danh này là những sự kiện cấp đại học duy nhất được truyền hình trực tiếp và được đông đảo xã hội theo dõi trên các phương tiện truyền thông chính thống.

Dĩ nhiên tính tranh đua giữa hai trường cũng giúp nâng cao chất lượng giáo dục và thứ hạng của mỗi trường qua từng năm. Cả Oxford và Cambridge đều không ngừng nghỉ phấn đấu để trở nên xuất sắc hơn nữa.

Vậy thì trường nào đỉnh hơn? Có lẽ chỉ mỗi bạn mới biết được câu trả lời thật sự phù hợp với mình sở thích của mình.