Theo kết quả xếp hạng năm 2018 của Times Higher Education (THE) lẫn QS dựa trên ngành học, những cơ sở đào tạo hàng đầu về đào tạo khoa học và kỹ thuật của Hoa Kỳ, Đại học Stanford và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), đã chứng tỏ được vị thế của mình trong lĩnh vực nghệ thuật và nhân văn.
7 đại diện trong top 10 THE lẫn QS
Tháng 9.2017, đội ngũ của Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) và các nhà chuyên môn của Financial Times đã nhanh chóng công bố bảng xếp hạng các trường Đại học tốt nhất thế giới về nghệ thuật và nhân văn sau khi đánh giá hơn 400 cơ sở giáo dục chuyên đào tạo nghệ thuật, ngôn ngữ, lịch sử, triết học, thần học, kiến trúc và khảo cổ. Ở kỳ xếp hạng năm ngoái, con số các trường tham gia ứng tuyển chỉ rơi vào khoảng 100 trường. Trong top 10 năm 2017, Mỹ chiếm 7 vị trí của top 10 danh giá.
Không chỉ thế, ở bảng xếp hạng theo ngành học năm 2018 – lĩnh vực nghệ thuật và nhân văn của Times Higher Education, có đến 103 trường Đại học của Hoa Kỳ góp mặt trong danh sách, theo sau là Vương quốc Anh với 56 trường. Và trong top 10 bảng xếp hạng QS về nghệ thuật và nhân văn có đến 7 cơ sở đào tạo là của Mỹ (Stanford, MIT, Harvard, Đại học Chicago, Princeton, Yale, Columbia). Quán quân đào tạo Nghệ thuật và Nhân văn năm nay thuộc về Đại học Stanford, và ngôi trường “chốt sổ” top 10 danh giá cũng là một đại diện từ Hoa Kỳ – Đại học Columbia.
Thầy Richard Saller, chủ nhiệm khoa Xã hội và Nhân văn trường Stanford, cho hay: “Các ngành nghệ thuật và nhân văn có nhiệm vụ truyền cảm hứng sáng tạo cho những sáng kiến, và truyền thụ điều đó vào những giá trị và kiến thức của nhân loại. Kết quả là, trong thập kỷ qua, nhà trường đã dành những khoản đầu tư lớn vào nghệ thuật và nhân văn”.
Đáng chú ý nhất phải kể đến thành tích tăng 7 bậc của MIT, dành lấy vị trí thứ 2 năm nay. Thành tích này được các chuyên gia đánh giá là nhờ vào sự tăng trưởng đồng đều của học viện trên cả 5 tiêu chí đánh giá: giảng dạy, nghiên cứu, số lần trích dẫn, chuyển đổi tri thức và diện mạo quốc tế. Đại học Harvard năm nay tụt hạng từ vị trí số 1 xuống vị trí thứ 3.
3 đại diện từ Vương quốc Anh – Oxford, Cambridge, Đại học London lần lượt nắm hạng 4 và đồng hạng 5.
Nhìn vào kết quả hai bảng xếp hạng uy tín này, có thể nói trật tự thế giới giáo dục đại học đã thay đổi. Giờ đây, chúng ta sẽ phải suy nghĩ lại về định kiến nước Mỹ chỉ mạnh trong đào tạo khoa học kỹ thuật. Bằng chứng là Stanford và MIT giờ đã bắt đầu chiếm lĩnh các bảng xếp hạng về nghệ thuật và nhân văn. Ông Phil Baty, biên tập viên của Xếp hạng các trường Đại học toàn cầu Times Higher Education, nhận định : “Chiến lược chiến thắng quá rõ ràng, họ biết kết hợp các cơ sở về nghệ thuật và nhân văn với chuyên ngành khoa học và kỹ thuật của mình”.
Các nước Châu Á khẳng định vị thế
Lần đầu tiên trong lịch sử, một trường đại học Trung Quốc đã chen được một chân vào top 20 trường đại học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nghệ thuật và nhân văn. Đại học Bắc Kinh, đứng thứ 84 vào năm 2016, đã vượt lên hạng 27 vào năm 2017 và bây giờ có mặt ở vị trí thứ 17 trong top 20 của năm 2018. Đại học Thanh Hoa tăng đến 18 hạng mà yên vị với hạng 48 của bảng xếp hạng. Cũng theo ông Phil Baty: “Điều này chứng tỏ rằng sự phát triển của giáo dục đại học ở Trung Quốc không chỉ giới hạn đối với khoa học và công nghệ”.
Những trường Đại học châu Á khác có tên trong top 50 của xếp hạng THE là Đại học Hồng Kông (hạng 28), Đại học Quốc gia Singapore (hạng 30), Đại học Tokyo (hạng 45).
Vị thế đáng gờm của các trường từ Trung Quốc cũng được khẳng định một lần nữa ở xếp hạng QS 2017 về ngành học. Trong đó, Trung Quốc sở hữu đến 3 đại diện lọt top 50 là Đại học Bắc kinh (hạng 23), Đại học Thanh Hoa (hạng 44) và Đại học Phục Đán (hạng 50). Đồng hạng với Trung Quốc về số lượng trường lọt top 50 là Nhật Bản, với các vị trí lần lượt thuộc về Đại học Tokyo (hạng 11), Đại học Kyoto (đồng hạng 26) và Đại học Waseda (hạng 45).
Người láng giềng Hàn Quốc có 12 trường có mặt trong bảng xếp hạng, với 4 đại diện vào top 100, trong đó có Đại học Quốc gia Seoul (hạng 28). Xếp ngay sau SNU một bậc là Đại học Quốc gia Đài Loan (đồng hạng 29).
Cuối cùng, hai đại diện từ Singapore – Đại học Quốc gia Singapore (hạng 21) và Đại học Công nghệ Nanyang (hạng 51) cũng là những cái tên nổi bật về đào tạo nghệ thuật và nhân văn ở châu Á.
Nếu muốn đi học nghệ thuật và nhân văn ở một quốc gia ngay cạnh nhà, Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) cũng là một lựa chọn bạn có thể xem xét. Ngôi trường này đồng hạng với Đại học Delhi (Ấn Độ), chia nhau vị trí 210 trên thế giới, theo xếp hạng các trường Đại học toàn cầu theo ngành học năm 2017.