Vào thời trung cổ, con người đã biết sống quây quầy thành những ngôi làng nghề rải rác khắp châu lục. Họ gắn bó với nhau để đùm bọc và cùng nhau phát triển. Những trường đại học đầu tiên của nhân loại cũng đã được bắt đầu từ cộng đồng các học giả sống gần nhau như thế đó.
Theo dòng thời gian, hình ảnh của ngôi trường đại học đã biến đổi đi rất nhiều. Từ thế kỷ thứ 6, trường học đã gắn liền với hình ảnh của giáo hội, nhà thờ, tu viện và các tu sĩ – truyền thống giáo dục này kéo dài qua hàng trăm năm lịch sử trung cổ và vẫn còn lưu lại trong một số học viện cho tới tận ngày nay.
Để một ngôi trường được ‘phong chức’ Đại Học thì chính nó phải thể hiện được một hệ thống quy chuẩn riêng thể hiện các quyền tự do học tập và được mưu cầu tri thức. Phần lớn các trường đại học thuở sơ khai thường được thành lập từ chính gia đình hoàng gia và từ giáo hội, hoặc một số nhỏ may mắn phát triển đi lên từ số ít các học viện xuất sắc và lâu đời. Những ngôi trường ‘cổ thụ’ này không chỉ là di sản sống cho truyền thống giáo dục của nhân loại, mà còn giữ vững danh tiếng và vị thế hàng đầu của mình trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với nhiều trường đại học thời nay.
5, Đại học Cambridge, Anh – 1209
Năm 1209, một nhóm học giả của trường đại học Oxford đã bị trục xuất khỏi trường, họ quyết định ra đi và sáng lập nên một trường đại học khác – Đại học Cambridge.
Huyền thoại của Cambridge còn đi theo cuộc hành trình vượt Đại Tây Dương của người Anh đến Mỹ. Những người Anh thuở lập quốc đã đặt tên một thành phố ở bang Massachusetts là Cambridge và lập nên một trường đại học ở đây. Ngày nay, cả thế giới nhìn về thành phố này như là cái “nôi” của hai đại học hàng đầu thế giới là Harvard và MIT.
Trường đại học Cambridge không chỉ thu hút sinh viên bởi nét đẹp cổ kính mà nó còn mang chất lượng giáo dục tuyệt vời mà hiếm trường đại học nào sánh bằng.
4, Đại học Salamanca, Tây Ban Nha – 1134
Đây là ngôi trường đầu tiên của châu Âu vinh dự nhận danh hiệu “trường đại học” do vua xứ Castile và León, cùng Đức giáo hoàng ban tặng vào năm 1254.
Trường đại học Salamanca vốn được vua Alfonso IX xứ León thành lập năm 1218. Là ngôi trường có truyền thống lâu đời nhất Tây Ban Nha, Salamanca có kiến trúc mang đậm dấu ấn thời Phục hưng và luôn được đánh giá cao nhờ chất lượng đào tạo xuất sắc.
3, Đại học Oxford, Anh Quốc – 1096
Đại học Oxford – cây đại thụ của ngành giáo dục nước Anh chưa bao giờ vắng mặt trong danh sách các viện đại học tốt nhất thế giới.
Dù đã được thành lập trước đó nhưng mãi đến năm 1167, khi vua Henry II ban hành lệnh cấm công dân Anh theo học tại trường Đại học Pari, thì Oxford mới thực sự đón nhận lượng sinh viên đông đảo.
2, Đại học Bologna, Ý – 1088
Đại học Bologna là ngôi trường đầu tiên được gọi đúng nghĩa là ‘universitas’ (tức là đại học trong tiếng Latin) và hiện nay vẫn đang là trường dẫn đầu về chất lượng giáo dục ở Ý.
Với gần 1.000 năm lịch sử, đại học Bologna gắn liền tên tuổi nhiều nhà văn và nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới. Trường cung cấp nhiều chương trình cao học danh tiếng quốc tế, tạo điều kiện cho sinh viên phát huy hết khả năng và kiến thức của mình.
1, Đại học Karaouine, Ma-rốc – 859
Nhắc đến những trường đại học “lớn tuổi” nhất thế giới thì không thể bỏ qua trường đại học Karaouine – trường được sách kỉ lục thế giới Guiness công nhận là trường đại học lâu đời nhất vẫn còn hoạt động đến ngày nay.
Đại học Karaouine còn được biết đến với cái tên Al Quaraouyine, toạ lạc tại thành phố Fes, Ma-rốc. Ban đầu, Karaouine vốn là một thánh đường Hồi giáo kiêm trường học chuyên dạy các bộ môn lịch sử, văn học, xã hội và các lĩnh vực Hồi giáo, với định hướng phát triển trở thành một trung tâm tôn giáo của Ma rốc. Sau đó, trường mở thêm các môn như toán học, vật lý, hóa học, y học, thiên văn… và giờ đây có danh tiếng rất lớn trong các ngành khoa học.
Nhưng có lẽ điểm đặc biệt nhất của ngôi trường ‘già’ nhất thế giời này lại nằm ở thực tế rằng người xây dựng nên nó là một… phụ nữ: Fatima al-Fihri- cô con gái của nhà lái buôn giàu có gốc Tunisia Mohammed Al-Fihri.