4 cách giúp bạn vượt qua lo nghĩ tiền bạc khi du học

Trước lúc bắt đầu quãng thời gian du học, câu hỏi được nghe nhiều nhất từ các bạn sinh viên là “Làm thế nào để trang trải cuộc sống?” Thật khó khi khuyên một ai đó làm thế nào để cân bằng tài chính trong một chuyến đi, nhất là khi đi du học, điều đó tuỳ thuộc vào điều kiện của mỗi người, tùy nơi họ sẽ sống hay thời gian của chương trình học và còn ti tỉ yếu tố khác. 

Bài viết này là những bí kíp hữu ích mình ‘móc túi’ được từ các cựu du học sinh cho bạn nhé.

 

Hỗ trợ từ gia đình

Nếu bạn may mắn nhận được sự hỗ trợ tài chính từ gia đình hay những người thân yêu, thì bạn nên ôm chầm lấy họ và nói lời cảm ơn, vì bạn đã may mắn hơn tất cả những du học sinh người châu Âu (ở các quốc gia này, sinh viên chỉ có thể xin vay từ chính phủ để học đại học, các khoản vay này gọi là ‘student loan’ và sẽ được trừ dần vào tiền lương của bạn trong vài năm cho đến khi nợ được trả).

Mượn tiền từ một thành viên nào đó trong gia đình luôn là cách an toàn và yên tâm nhất để trang trải chi phí trong quãng thời gian xa nhà, và họ cũng là người ít hối thúc bạn trả tiền. Nhưng dù sao cẩn thận vẫn hơn, tiền bạc không dễ dàng được cho đi mà không phải trả lại, dù đó có là bố mẹ bạn đi nữa.

 

Săn học bổng và trợ cấp từ trường

Nhận được học bổng luôn là cách tiết kiệm chi phí trước khi bạn nghĩ đến việc du học tự túc, trợ cấp từ trường giống như một ‘món quà’ mà bạn không phải hoàn trả. Thường thì yêu cầu xin trợ cấp sẽ dựa trên hoàn cảnh của bạn và bắt buộc kết quả học tập của bạn phải luôn ở mức cao.

Nhưng điều đáng lo là họ thường gửi bạn một khoản tiền lớn cùng một lúc, điều đó có nghĩa bạn rất “dễ vung tay quá trán”. Hãy chắc rằng bạn sẽ không để mất hết món tiền khủng ấy, hãy cố gắng cân bằng chi tiêu để không bị thiếu hụt về sau.

Những khoản tiền phát sinh khác có thể đến từ việc thấu chi, thẻ tín dụng hay vay ngắn hạn ‘payday loans’. Đừng bao giờ đi vay ngắn hạn ở ngân hàng (Nghiêm túc đấy, đừng bao giờ!) Ngân hàng & các dịch vụ vay của họ phức tạp hơn những gì bạn nghĩ rất nhiều. Hãy tìm cách khác để giải quyết vấn đề.

 

Chú ý đến túi tiền của bạn

Thời sinh viên là khoảng thời gian bạn có thể thoải mái tận hưởng thời gian và tiền bạc của mình, nhưng hãy cẩn trọng!

Mọi người xung quanh bạn thường than rằng họ nuối tiếc nhiều điều trong quãng đời sinh viên. Gia đình hay có khi là chính thầy cô của bạn sẽ không ngừng đề cập đến đề tài này nhằm buộc bạn chú tâm vào việc học. Những điều họ nói không hề sai, rồi thi thoảng bạn sẽ tiếc nuối về những gì đã đi qua, nhưng không sao đó vốn dĩ là một phần của cuộc sống. Tuy nhiên, có một sự khác biệt rất lớn giữa việc không dám tiến đến và hôn một chàng trai với nỗi tiếc nuối vì chìm ngập trong các khoản nợ tín dụng đó là khi bạn nhận ra mình không đủ tiền ăn tối trong tuần kế tiếp. Sẽ chẳng vui vẻ gì khi phải ăn uống đạm bạc nhiều ngày liên tiếp. Đây là một vài kinh nghiệm đau thương và đau ‘dạ dày’ của rất nhiều du học sinh.

Hãy luôn suy nghĩ thấu đáo và cân đo đong đếm. Bạn có thật sự cần một tấm ra giường bằng lụa? Hay cần đến những món đồ đắt tiền để trông thật ‘chất’? Tóm lại thì bạn có nhất thiết phải chi nhiều tiền cùng một lúc không?

Tính toán chi tiêu có thể rất chán và tốn thời gian. Nhưng khi nhìn lại, bạn sẽ rất biết ơn rằng mình có cơ hội thưởng thức bữa tối cùng bạn bè vui hơn là mắc kẹt ở nhà với mấy món đồ xa xỉ mà chẳng mấy khi đụng tới.

 

Đi làm thêm

Thật nhẹ nhõm khi được chia sẻ với bạn tuyệt chiêu này. Có một công việc làm thêm dĩ nhiên là nguồn thu nhập chính mà du học sinh có thể kiếm được. Nhiều du học sinh tìm đến mảnh đất mới, ấp ủ một công việc để trang trải trong thời gian du học, nhưng bạn không nên quá mong chờ vào nguồn thu nhập này mà chưa biết mình có được nhận làm hay không?  

Có nhiều thứ nên cân nhắc khi ứng tuyển một công việc, nhất là ở một đất nước xa lạ. Chính sách visa và du học tại trường bạn có cho phép sinh viên đi làm hợp pháp không? Đừng lo lắng! Việc hiểu rõ các quy định cư trú sẽ tiết kiệm cho bạn rất nhiều thời gian và sức lực trong tương lai đấy.  

Tùy từng Quốc gia mà có những quy đinh riêng cho du học sinh về số giờ bạn được phép đi làm thêm trong một tháng hoặc khoảng thời gian được phép đi làm trong năm, có một số nơi còn yêu cầu ngôn ngữ bản địa.  

Nếu bạn có thêm thắc mắc, đừng ngần ngại hỏi chuyện những đại diện trường và đại sứ quán tại Triển lãm du học năm nay, hoặc tìm câu trả lời trên trang web chính phủ mà mình muốn du học.

 

Cuối cùng, đừng ngần ngại tìm đến sự trợ giúp trong lúc cần thiết. Giải quyết vấn đề tiền bạc cần sự kiên trì và hãy chắc rằng bạn không mắc phải sai lầm quá nhiều lần.