Du học sinh làm gì khi kết quả thi không tốt như mong đợi?

Du học là ước mơ của mọi sinh viên để được tiếp cận chân trời tri thức mới, được khám phá vùng đất mới, con người mới… Tuy nhiên, không phải cuộc sống du học luôn màu hồng như bạn nghĩ. Gạt những khó khăn về cuộc sống sang một bên thì việc học và thi cử là một áp lực khá lớn, đặc biệt là khi kết quả thi không tốt như bạn nghĩ.

Bạn mới nhận được bảng điểm và… bạn cảm thấy mọi chuyện thật tồi tệ? Nhưng mà hãy bình tĩnh nào, chuyện gì cũng sẽ có cách giải quyết thôi!

Đầu tiên, thật bình tĩnh và suy nghĩ tích cực

Rất nhiều sinh viên có tâm lý buồn bã, chán nản khi biết điểm số môn học yêu thích hay một bài thi trúng tủ không như mong đợi. Bạn cố gắng nhớ lại đề thi, nhớ lại cách mình làm và đặt rất nhiều câu hỏi “tại sao?”. Thậm chí, bạn còn nôn nóng hỏi điểm của bạn bè trong lớp…

Nhưng những điều trên có giúp thay đổi điểm thi hay làm tâm trạng bạn tốt hơn không? Câu trả lời thường là ‘không’.

Hãy tạm quên đi những áp lực từ điểm số và nghĩ đến giây phút thành công mà bản thân có thể đạt được. Bạn hãy nghĩ rằng, thành công đang bị trì hoãn một thời gian ngắn mà thôi. Suy nghĩ tích cực, lạc quan và tiếp tục cố gắng thôi nào!

Xin phúc khảo bài thi nếu bạn tin điểm số chưa chính xác

Bạn nghĩ đó không thể là kết quả bài thi của mình? Vậy thì bạn nên suy nghĩ đến phương án xin phúc khảo bài thi. Rất có thể đã có sự nhầm lẫn và sai sót trong quá trình chấm điểm. Nếu điều này xảy ra, điểm của bạn sẽ thay đổi theo hướng tích cực.

Tuy nhiên, cần chuẩn bị tâm lý rằng điểm có thể tệ hơn nếu thầy cô phát hiện ra lỗi sai khác trong bài thi của bạn. Vì vậy, bạn cần suy nghĩ kỹ trước khi quyết định làm đơn xin phúc khảo.

Rút kinh nghiệm về phương pháp học và ôn thi  

Nếu chủ đề bài thi không hề có trong bài giảng trên lớp của thầy cô, thì nhất định nó nằm đâu đó trong những cuốn tài liệu mà thầy cô đã yêu cầu bạn đọc từ đầu năm. Chỉ là bạn chưa đọc đến mà thôi!

Việc học tập ở các quốc gia phương Tây đòi hỏi tính tự giác và chăm chỉ rất cao. Thầy cô chỉ là người hướng dẫn, các bạn phải chủ động đọc nhiều sách, lên thư viện và tự tìm hiểu.

Kỳ tới, bạn nên chuẩn bị thật tốt cho các giờ lên lớp bằng cách đọc trước tài liệu, nghiên cứu nội dung bài học và chăm chỉ thực hành. Đặc biệt, đừng bao giờ bỏ qua bất kỳ một tài liệu nào phục vụ môn học mà thầy cô nhắc đến trong buổi học đầu tiên, để không bỏ sót kiến thức có thể xuất hiện trong các bài thi.

Khi tâm lý ảnh hưởng đến bài thi, bạn cần thay đổi chính mình

Thực tế, nhiều bạn sinh viên đã ôn bài rất kỹ trước đó, nhưng khi vào phòng thi lại sợ hãi và lo lắng thái quá. Tâm lý bất ổn chính là nguyên nhân khiến bạn không thể nhớ được chính xác kiến thức và hoàn thành bài thi tốt nhất. Do vậy, đạt điểm cao là điều khó có thể xảy ra.

Trong trường hợp này, thật khó để trách ai ngoài bản thân mình.

Lời khuyên cho bạn là hãy mạnh dạn nói chuyện và tranh luận với thầy cô, bạn bè, tham gia thuyết trình trước lớp nhiều hơn... Khi đi thi, hãy coi đó là thời gian để bạn ôn lại kiến thức chứ không nên mang nặng tâm lý thi cử.

Xem lại khả năng ngoại ngữ

Hà Nguyễn - du học sinh Úc đang theo học Thạc sĩ ngành PR và Marketing tại đại học La Trobe cho biết, khi mới sang đây, cô mất tới hơn 6 tháng để có thể bắt kịp bài giảng của thầy cô. Hơn nữa, là một người Việt Nam, thật khó để Hà hiểu ngay được những đặc điểm của thị trường và người tiêu dùng (customer insight) tại Úc trong các môn học mang tính thực tế. Hầu hết các bài thi trong kỳ học đầu tiên của Hà đều không đạt được điểm số kỳ vọng.

Hiểu được vấn đề mình gặp phải, Hà quyết tâm cải thiện chính mình. Cô đăng ký tham gia các hoạt động ngoại khóa để có thể giao tiếp với mọi người nhiều hơn, tìm hiểu văn hóa bản địa sâu hơn. Kết quả là từ kỳ học thứ 2, bạn đã cải thiện điểm số đáng kể với nhiều điểm thi tuyệt đối.

Hà cũng khuyên các bạn sinh viên mới đi du học rằng, hãy chuẩn bị sẵn tâm lý về rào cản ngôn ngữ và văn hóa. Nếu đây là nguyên nhân khiến bài thi không đạt điểm cao thì cũng đừng quá lo lắng. Bởi bạn chỉ cần trau dồi ngoại ngữ mỗi ngày, tìm hiểu thêm về văn hóa, thực tiễn xã hội nơi mình đang sinh sống, để hiểu rõ hơn những vấn đề mà thầy cô đề cập trong môn học và ứng dụng vào bài thi.

Tham vấn các anh chị khóa trước

Chia sẻ vấn đề của bạn với các anh chị khóa trước và xin lời khuyên từ họ là một ý không tồi. Những lời khuyên hữu ích về môn học sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quát hơn về cả cách học và cách thi. Đừng bỏ qua những lời góp ý và hướng dẫn chân thành vậy nhé!

Và hãy đặt mục tiêu cho kỳ học tới!

Đừng để kết quả ban đầu ảnh hưởng đến thái độ và tâm lý của bạn trên cả chặng đường phía trước. Thay vào đó, bạn hãy đặt ra mục tiêu cho các kì học sau.

Kỳ học tới, bạn cần đăng ký có chọn lọc các môn phù hợp với khả năng và đầu tư thời gian nghiên cứu kĩ càng. Đồng thời, bạn cũng nên lên kế hoạch và đặt mục tiêu cụ thể về điểm số để có động lực phấn đấu nhiều hơn.

Nếu bạn chưa hiểu rõ một vài kiến thức, cần chủ động liên hệ với thầy cô hoặc trao đổi với nhóm học tập của mình. Đừng quên rủ những người bạn ấy cùng ôn lại kiến thức và luyện tập thực hành trước khi kì thi diễn ra.

 

Với sinh viên nói chung, du học sinh nói riêng, việc có được kết quả thi tốt, bảng điểm đẹp sẽ giúp bạn dễ dàng học lên cao hoặc có một CV đẹp. Tuy nhiên, điểm số không thể hiện hết giá trị một con người! Điều quan trọng là bạn cần giữ thái độ tích cực, chăm chỉ và nỗ lực hết mình cho tương lai.