Với những bạn bắt đầu đi du học, ngoài chuyện học hành, trường lớp, sinh hoạt… thì việc tìm được một chỗ ở tốt có lẽ là ưu tiên hàng đầu. Những chia sẻ dưới đây sẽ giúp bạn tự tin hơn khi tìm nhà tại nước ngoài, đặc biệt là ở châu Âu.
1. Tìm nơi ở trước khi bay
Đây có lẽ là lời khuyên quan trọng nhất dành cho bạn.
Chính phủ một số quốc gia yêu cầu du học sinh phải tìm chỗ ở trước khi được nhận thị thực. Nhưng nếu quốc gia đó không yêu cầu, bạn cũng nên tìm hiểu trước về địa điểm sẽ lưu trú trong những năm tiếp theo. Bởi có một chỗ ở cố định ngay từ ban đầu (cho dù đó là một căn nhà hay chỉ một căn phòng, vẫn) sẽ tốt hơn việc bạn phải bỏ thời gian và công sức đi tìm nhà ở một đất nước xa lạ với rất nhiều rủi ro.
Trong trường hợp chưa tìm được nhà, bạn có thể tạm thời thuê khách sạn hay ở trong một homestay nào đó, nhưng việc này sẽ khá tốn kém đấy.
2. Nếu không thể đến tận nơi xem nhà…
Những hình ảnh trên website cho thuê nhà đôi khi khác xa với thực tế. Bởi hầu hết người cho thuê nhà đều muốn đưa những hình ảnh đẹp long lanh lên các trang mạng để có thể dễ dàng cho thuê.
Giải pháp đơn giản để tránh bị những bức hình đó ‘lừa tình’ là hãy đến thăm trực tiếp căn nhà. Tuy nhiên, việc bạn phải sang tận nơi chỉ để xem phòng sẽ tốn thời gian và chí phí đi lại cực kỳ lớn. Thay vào đó, bạn có thể sử dụng phương án tiết kiệm hơn bằng cách tìm thông tin trên các trang web trực tuyến như Uniplaces. Với những địa chỉ như vậy, bạn chỉ cần truy cập (một số website sẽ yêu cầu đăng ký) để xem những hình ảnh, video chân thực về nơi được cho thuê cũng như thông tin cần thiết. Qua đó, bạn có thể tìm được nhà để thuê một cách an toàn ngay cả khi bạn còn ở quê nhà.
3. Xem xét hợp đồng thật kỹ lưỡng
Khi thương lượng, người cho thuê nhà có thể yêu cầu bạn về thời hạn thuê tối thiểu, chữ ký của người bảo lãnh (đôi khi yêu cầu là công dân đang cư trú tại nơi đó), tờ khai thuế, hợp đồng lao động...
Một số căn nhà cho thuê cung cấp sẵn vật dụng, nội thất, một số khác thì không. Bạn nên xem xét kỹ hợp đồng vì bạn có thể phải trả tiền cho bất kỳ thiệt hại nào bạn gây ra đối với đồ đạc tại đó. Một số chủ nhà cũng yêu cầu bạn phải trả tiền cho chi phí thuê người dọn dẹp sau khi rời đi hoặc bồi thường hợp đồng nếu bạn rời đi sớm hơn.
4. Cân đối ngân sách thuê nhà và nhu cầu tiện nghi
Chi phí thuê nhà sẽ chiếm một phần ngân sách khá lớn trong tổng chi phí khi du học. Vì vậy, bạn có thể cân nhắc lựa chọn 1 phương án tối ưu nhất giữa nhiều lựa chọn: thuê toàn bộ một căn nhà, thuê một phòng trong một căn hộ, thuê một phòng trong ký túc xá sinh viên…
Ví du như, nếu thuê một căn nhà lớn, có vị trí thuận lợi, được trang bị nhiều vật dụng… thì sẽ đắt hơn một căn nhà nhỏ, ít vật dụng; hoặc việc bạn ở một mình chắc chắn sẽ tốn kém hơn so với việc chia sẻ chỗ ở cùng người khác.
Bạn cũng có thể thuê một căn nhà ở xa trường với mức giá thấp, nhưng chi phí và thời gian đi lại là điều cần lưu ý. Chẳng hạn, nếu bạn ở Luân Đôn, chi phí đi lại hàng năm có thể lên đến hàng ngàn Bảng. Hãy đảm bảo rằng, nơi ở của bạn vừa khiến bạn cảm thấy thoải mái, vừa thuận lợi cho học tập và cuộc sống.
Việc thuê những căn hộ thường đắt và khó tìm hơn. Tuy nhiên, bạn có thể sử dụng các nhóm facebook và các website chuyên về bất động sản và nhà ở cho sinh viên như Uniplaces .
Ngoài tiền thuê nhà, bạn cần tính đến tiền đặt cọc. Thông thường, khoản tiền này là một hoặc hai tháng tiền nhà và luôn được đưa cho chủ nhà ngay từ tháng đầu tiên.
Bên cạnh đó, cần chú ý xem giá thuê nhà của bạn có bao gồm tiền điện, nước, gas và internet hay không. Bởi điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt hàng tháng.
Để có thể hình dung ra chi phí sinh hoạt tương đối tại nơi mình sẽ sống, bạn có thể tra cứu trực tuyến tại một số trang web như Numbeo.
Ký túc xá là một gợi ý hay dành cho du học sinh mới với những quy định rõ ràng về chi phí, thanh toán... Tuy nhiên, bạn cần tuân thủ các quy tắc về thời gian, lịch trình chung tại đây. Nếu muốn đăng ký ở tại kí túc xá, bạn cần liên hệ với nhà trường để nắm rõ những quy định về việc lưu trú trong khuôn viên học xá.
5. Luôn thận trọng với người cho thuê
Bạn sẽ nhận ra chủ nhà không phải lúc nào cũng trung thực trên các website như Craigslist, OLX hoặc Gumtree vì ai cũng có thể đặt quảng cáo miễn phí ở đây. Vì vậy, bạn chỉ nên sử dụng các trang web đáng tin cậy trước khi thuê.
Ngoài ra, nếu chủ nhà đề nghị đóng trước một khoản tiền đặt cọc, bạn cần nắm rõ thông tin và mức độ tin cậy của chủ nhà trước khi trao đổi bất kỳ thông tin cá nhân hoặc tiền bạc nào với người đó.
Hãy dành thời gian tìm kiếm thông tin trên Internet, nói chuyện với bạn bè hoặc anh chị du học sinh đi trước để lắng nghe những chia sẻ và kinh nghiệm của họ. Tìm nhà ở một đất nước xa lạ là điều khó khăn, nhưng đó chỉ là thử thách khởi đầu để bạn trải nghiệm cuộc sống du học sinh mà thôi!