Tiết kiệm khi du học - tưởng khó mà dễ

Sống xa gia đình, bạn bè và những thứ thân thuộc vốn dĩ đã không mấy dễ dàng, việc cân bằng chi phí sinh hoạt còn thêm phần hóc búa. Tuy nhiên, những thói-quen-nhỏ dưới đây sẽ giúp cuộc sống du học của bạn trở nên “dễ thở” hơn.

 

  1. Tìm mua sách cũ

Sách giáo khoa ở nước ngoài thường rất đắt đỏ, nhưng bạn cũng không nhất thiết phải mua tất cả các sách trong danh mục dạy học vì khá nhiều giáo trình có thể mượn ở thư viện. Chỉ chọn mua những cuốn quan trọng nhất hoặc tìm mua lại sách đã qua sử dụng trên các diễn đàn sinh viên trên mạng và trong các ngày hội bán sách cũ ngay tại trường. Ngược lại, bạn cũng nên bán lại sách đã học cho người khác để bù lại phần nào số tiền đã bỏ ra. Nếu chi phí in ấn của trường bạn quá cao, bạn có thể tiết kiệm bằng cách mua máy in cá nhân để hạn chế tối đa chi phí.

 

  1. Đầu tư vào các loại thẻ di chuyển trọn gói

Đầu tư vào các loại thẻ di chuyển trọn gói (travel cards) giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều tiền khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Thẻ tàu điện ngầm, xe buýt, tàu lửa, đôi khi là cả máy bay thường có giảm giá cho sinh viên.

 

  1. Sống gần trường

Hầu hết các ký túc xá hay nhà ở cho sinh viên đều nằm trong khuôn viên trường. Việc tìm một nơi ở cho phép bạn được đi bộ đến trường bạn vừa là động lực để bạn “chuyên cần” đến lớp, vừa giúp bạn tiết kiệm kha khá chi phí di chuyển đấy.

 

  1. Sống ngoài khuôn viên trường

Bạn không nghe nhầm đâu! Mặc dù sống gần trường có thể giúp em tiết kiệm tiền đi lại, nhưng những ngôi nhà ngoài khuôn viên lại thường giá thuê rẻ hơn rất nhiều.

 

Bạn cũng có thể thử chọn nhà theo cả 2 cách: những năm đầu sống trong ký túc xá của trường sẽ giúp bạn làm quen bạn bè và thích nghi với môi trường nhanh hơn, sau đó bạn có thể chuyển ra ngoài trong những năm cuối để tiết kiệm tiền nhà, và việc ở chia phòng với các bạn khác sẽ cắt giảm được một nửa tiền nhà.

 

Homestay là một lựa chọn phổ biến và có chi phí phải chăng. Một số nghiên cứu cho thấy sinh viên quốc tế sống chung với gia đình bản xứ có xu hướng học tập tốt hơn. Bằng cách sinh sống với người địa phương, sinh viên sẽ cải thiện khả năng ngoại ngữ, khám phá địa danh địa phương với người bản xứ, hơn nữa còn cảm giác như “được ở nhà”.

 

  1. Đi chợ thông minh

Thực phẩm sẽ chiếm phần lớn trong ngân quỹ của bạn, vì vậy hãy mua các sản phẩm thật sự chất lượng thay vì chạy theo thương hiệu nổi tiếng. Mua đồ ăn vào cuối ngày thường sẽ bắt gặp nhiều mặt hàng được giảm giá.

 

Nếu có thể, hãy xem xét việc nấu ăn cùng bạn bè hoặc lên kế hoạch chuẩn bị đồ ăn trưa trước ở nhà, hoặc mua đồ ăn cho cả tuần để tránh lãng phí tiền vào những thức ăn đóng gói, bánh sandwich hoặc đến quán ăn mỗi ngày.

 

  1. Sử dụng các combo ăn trưa

Hầu hết các trường đại học đều có phòng ăn và căng tin cho mọi sinh viên. Sinh viên có thể mua các phiếu ăn trưa với nhiều gói combo giá cả ưu đãi hoặc thậm chí là kiểu ăn “buffet” ngay trong trường. Nếu bạn được sử dụng nhà bếp của trường thì đây là nơi để bạn hâm đồ ăn tự nấu mang từ nhà nhé.

 

  1. Mua sắm tại các cửa hàng cũ

Những cửa tiệm second-hand đôi khi lại mang đến cho bạn vô số thứ vừa hay ho, vừa chất lượng, thường thì sẽ là quần áo, sách, đồ chơi, phụ kiện, đồ dùng nhà bếp, đĩa game, đĩa nhạc…và “tá lả” các thứ khác với mức giá siêu hời. Một số nơi bán đồ nội thất và thiết bị điện, một số cửa hàng lại chuyên bán sách, đồ cưới hay các đĩa nhạc cũ.

 

  1. “Canh” giảm giá

Mua sắm vào mùa sale hay những dịp “xả hàng” cuối mùa là một cách hữu hiệu để tiết kiệm tiền, những gì bạn cần là tìm hiểu thông tin, ngày giờ và mức giảm giá.

 

Thời gian sale tuỳ thuộc vào mỗi quốc gia nhưng Giáng sinh và Năm mới là những dịp giảm giá lớn nhất năm. Hãy cập nhật các trang web bán hàng online như Amazon để tận dụng chương trình khuyến mãi và săn được các món đồ “xịn” với giá siêu hời nhé.

 

Đừng quên tự hỏi bản thân là bạn có thật sự cần mua những món đồ này không? Đôi khi, để biết bạn có “duyên” với món đồ đó hay không, bạn có thể đợi trong vòng 1 tháng, và nếu sau đó bạn vẫn còn thích thú thì hãy mua liền thôi.

 

  1. Dùng các ứng dụng gọi điện miễn phí

Gọi điện về nhà bằng Skype, Viber, Facebook… là cách phổ biến và tiết kiệm nhất, những cuộc gọi camera trên các phương tiện xã hội lại hoàn toàn không tốn phí. Chúng ta đang sống trong một “thế giới phẳng” và việc kết nối với nhau qua internet chưa bao giờ dễ dàng hơn.

 

  1. Tránh về nước thường xuyên

Du học sinh thường tiêu tốn rất nhiều tiền vào những chuyến bay về nhà hoặc đi du lịch quanh nơi mình ở. Nếu bạn thuộc tuýp người “mê xê dịch” thì hãy để ý đến những gói bay ưu đãi hoặc tham khảo những hãng bay giá rẻ trên Wikipedia nhé.

 

Hiện nay nhiều trang web và ứng dụng có chức năng thông báo đến bạn khi giá vé giảm. Một mẹo tiết kiệm giá bay nữa là bạn có thể linh động thời gian bay và đặt một chuyến bay rẻ đến một sân bay trung chuyển nào đó, rồi lại mua tiếp một chuyến nữa đến địa điểm bạn muốn tới.

 

  1. Tận dụng mọi ưu đãi cho sinh viên

Hầu hết các dịch vụ đều có mức giá ưu đãi thêm cho học sinh – sinh viên. Nếu bạn không thấy thông tin chiết khấu thì đừng quên hỏi nhân viên để đảm bảo được nhận giảm giá khi sử dụng các dịch vụ giải trí, ăn uống và du lịch nhé. Ngoài ra, thẻ sinh viên quốc tế ISIC còn giúp sinh viên được giảm thêm trong nhiều dịch vụ khác.

 

  1. Tự…cắt tóc

Thoạt nghe thì có vẻ…không hợp lý cho lắm, nhưng việc trở thành thợ cắt tóc cho mình sẽ giúp bạn tiết kiệm hàng trăm đô một năm đấy. Nếu bạn để tóc ngắn thì bạn sẽ cần duy trì việc cắt tóc thường xuyên. Đôi lúc nuôi tóc dài cũng một cách tiết kiệm hiệu quả khi bạn không phải ra tiệm thường xuyên. Hoặc nếu có thể, hãy nhờ một người bạn đang theo học chuyên ngành làm đẹp hay tạo mẫu tóc để giúp bạn tạo một kiểu tóc ưng ý nhé.

 

  1. Hạn chế mua phiếu tập gym

Sức khoẻ tất nhiên là ưu tiên hàng đầu và là thứ đáng được đầu tư nhất. Tuy nhiên, rất nhiều người lãng phí tiền vào các phiếu tập vì chẳng mấy khi xuất hiện ở phòng tập. Để linh động thời gian tập thể thao và tiết kiệm, bạn có thể tập thói quen đi bộ khi đi học và đi làm, hay chạy xe và chạy bộ trong công viên. Bạn cũng có thể thử mua tạ và những vật dụng thể thao để tự tập thể dụng ở nhà, và sẽ còn tiết kiệm hơn nữa nếu bạn “rủ rê” được mấy đứa bạn cùng nhà tập chung.

 

  1. Tìm hiểu về các gói bảo hiểm giá rẻ

Bạn sẽ phải đóng mức bảo hiểm y tế tương đối cao nếu học tập tại Mỹ. Có rất nhiều loại bảo hiểm để bạn lựa chọn như bảo hiểm du lịch, bảo hiểm vật dụng, bảo hiểm du lịch…Vì vậy, hãy dành thời gian tìm hiểu cho mình loại bảo hiểm cần thiết với mức giá ưu đãi nhất. Không nên tiết kiệm một chút tiền mua bảo hiểm để rồi phải trả hàng ngàn đô la khi có vấn đề sức khoẻ hay khi laptop bạn bị hỏng.

 

  1. Quản lý chi tiêu

Việc theo dõi tiểu sử chi tiêu hằng tuần/ hàng tháng có thể khiến bạn “căng não” nhưng lại rất có ích vì nó cảnh báo bạn không tiêu xài quá đà và giúp thẻ ngân hàng của bạn tránh tình trạng ‘thấu chi’.

 

Chỉ với một trang giấy, bạn có thể bắt đầu liệt kê các khoản thu nhập tài chính của bạn như tiền, học bổng, tiền trợ cấp từ gia đình hoặc các tổ chức khác, tiền làm thêm… Tiếp đó là liệt kê các khoản bạn cần thanh toán định kỳ như tiền thuê nhà, tiền điện nước, tiền internet… Bạn sẽ ước lượng số tiền mình cần trả mỗi tháng.

 

Hiện tại hầu hết ngân hàng đều có ứng dụng điện thoại để bạn theo dõi số dư của mình; trường hợp tháng đó bạn tiêu quá mức cho phép thì vẫn có thể sử dụng chính sách nợ không lãi suất cho sinh viên của ngân hàng.

 

  1. Thanh toán hoá đơn đúng hạn

Khi bạn sống trong ký túc xá, hoá đơn tổng thường bao gồm tiền thuê nhà và tiền điện nước… giúp bạn tính toán dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nếu bạn thuê chung nhà với người khác, bạn sẽ phải trả riêng tiền gas, điện, nước và internet. Hãy tìm hiểu và so sánh trên các trang web thuê nhà để tối ưu các chi phí của bạn.

 

Đăng ký trả hoá đơn tự động bằng tài khoản mỗi tháng giúp bạn đảm bảo việc thanh toán đúng hạn, thậm chí bạn còn sẽ được giảm giá khi thanh toán qua một số loại hình dịch vụ tự động.

 

Khi sống chung nhà, mỗi người có thể thay phiên nhau trả từng loại hoá đơn: người trả tiền điện, người trả tiền gas… miễn là mọi thứ được tính toán cẩn thận.

 

  1. Nộp đủ thuế

 

Có thể đây là điều bạn nên lưu ý nhất khi đi làm thuê, vì quy định thuế ở mỗi nước rất khác nhau. Bạn sẽ phải đóng thuế như những người công dân khác dù cho công việc của bạn có thể chỉ là thời vụ hoặc bán thời gian. Một số công việc khác lại không bị yêu cầu đóng thuế, nhưng hầu hết thu nhập của sinh viên quốc tế đều cần nộp thuế và nếu không thì sẽ chịu một mức phạt rất lớn. Vậy nên, hãy nghiên cứu kỹ và đóng thuế đủ. Cũng không đóng dư vì một số nước cho phép sinh viên được xin hoàn trả thuế nếu thu nhập nhỏ hơn mức quy định.

 

Du học là một trải nghiệm tuyệt vời và cũng khá tốn kém với nhiều người trẻ. Tuy nhiên, cách tính toán cẩn thận và thói quen sống khôn ngoan có thể giúp cho việc quản lý tài chính trong thời gian du học dễ dàng hơn bạn tưởng đấy.