Nếu chỉ đưa ra một câu hỏi chung chung như “sinh viên đại học nên chọn laptop nào” thì bạn sẽ nhận lại được câu trả lời chung chung không kém – “tất cả các dòng máy có bộ nhớ 4GB trở lên với vi xử lý Intel Core”.
Thế nhưng trong thời kì công nghệ phát triển như vũ bão, mỗi showroom máy tính có tới hàng trăm lựa chọn khác nhau, làm thế nào để cân nhắc và chọn ra chiếc laptop phù hợp nhất? Những tiêu chí đánh giá dưới đây có thể giúp bạn phần nào.
- Bộ ba tiêu chí: Trọng lượng – Pin – Giá cả
Bạn sẽ mang laptop đến giảng đường hằng ngày để chép bài hay chỉ cắm máy ở nhà và thỉnh thoảng mang đi họp nhóm? Tùy vào nhu cầu sử dụng mà bạn nên cân nhắc trọng lượng của chiếc laptop sắp mua. Trong trường hợp bạn muốn biến laptop thành vật bất ly thân trong những tháng ngày du học, thì một chiếc máy tính kiểu cũ, nặng nề và có màn hình quá to rõ ràng không phải là một lựa chọn lý tưởng. Ngược lại, nếu bạn không có nhu cầu mang theo máy nhiều, một chiếc máy cấu hình cao, màn hình rộng sẽ mang đến nhiều trải nghiệm tốt hơn.
Giống như khả năng di chuyển của máy tính, thời lượng pin cũng là yếu tố quan trọng đối với các bạn sinh viên. Dĩ nhiên sẽ rất khó chịu nếu máy hết pin giữa giảng đường đông người (trong khi ổ cắm điện thì lại có hạn), nhưng bạn nên cân nhắc cẩn thận yếu tố này bởi máy có cấu hình cao hơn, chạy nhanh và mượt hơn sẽ tốn pin nhiều hơn và tỏa nhiệt nhiều hơn các loại máy cấu hình thấp.
Trọng lượng, pin và giá cả dường như không mấy liên quan nhưng chúng lại có ảnh hưởng qua lại rất lớn. Một chiếc laptop “thanh mảnh”, chạy nhanh vừa có thời lượng pin dài thì thường rất đắt tiền trong khi những chiếc laptop giá mềm hơn thường khá nặng, chậm hoặc pin yếu.
Vậy nên việc đầu tiên bạn cần làm là đưa ra ngân sách hợp lý cho chiếc laptop mới. Nếu hầu bao rủng rỉnh khoảng 20 – 35 triệu, bạn cứ thoải mái cân nhắc các dòng máy mỏng nhẹ, cấu hình cao và pin khỏe. Còn nếu không, trong khoảng kinh phí 10-15 triệu đồng bạn sẽ buộc phải đánh đổi. Hãy chọn ra ưu tiên hàng đầu phù hợp với mục đích sử dụng của mình để cân nhắc.
Hotcourses mách bạn: Những thông số về trọng lượng máy, vi xử lý, thời lượng pin và giá cả được niêm yết rõ ràng ở hầu hết các showroom và website kinh doanh hàng điện tử. Do đó, bạn có thể ghé thăm trang web trong nước lẫn các trang bán hàng ở đất nước mà bạn sắp đi du học để “dạo giá” trước khi quyết định đầu tư vào khoản laptop.
- Bộ nhớ và vi xử lý
Trên thị trường, các dòng máy được giới thiệu và bày bán khá rộng rãi và đa dạng, với RAM 2GB – 4 GB và dung lượng ổ cứng SSD từ 128GB đến 512GB. Những du học sinh theo đuổi các lĩnh vực xã hội như lịch sử, văn học, sư phạm, kinh tế… vốn không có nhiều nhu cầu lưu trữ và chạy các phần mềm chuyên dụng, vì thế, bạn có thể chọn những loại máy có dung lượng bộ nhớ ít hơn so với các bạn học công nghệ, đồ họa, thiết kế…
Nhiều máy tính giá rẻ dùng chip eMMC 32GB hoặc 64GB. Những chip này có tính năng tương tự như ổ đĩa SD với tốc độ xử lý chậm hơn nhiều so với các ổ SSD lưu trữ 128 – 512GB. Ngoài ra trên thị trường hiện nay còn có ổ cứng lai (lai giữa ổ cứng SSD và HDD thông thường, thường được hiển thị trên cấu hình như sau: 32+500…). Lời khuyên được đưa ra ở đây là hãy chọn laptop có bộ nhớ RAM 4GB trở lên và dung lượng tối thiểu 64GB.
Bộ vi xử lý CPU được coi là não bộ của chiếc laptop. Tùy thuộc vào các dòng máy từ bậc thấp tới hàng cao cấp, các bộ vi xử lý thông dụng hiện nay là Intel Atom, chip AMD, Intel Core i3, i5, i7. Bộ vi xử lý càng hiện đại tốc độ xử lý càng nhanh và thường có giá thành cao. Các máy tính sử dụng phiên bản Core i3 – 7100U hoặc Core i3 – 6100U là những lựa chọn khá tốt cho ngân sách du học.
Hotcourses mách bạn: Bộ vi xử lý Pentium 4415U mới ra mắt gần đây được đánh giá là mang đến trải nghiệm sử dụng tốt hơn và tiết kiệm hơn so với i3 7100U.
- Màn hình và độ phân giải
Kích thước màn hình phổ biến nhất được sinh viên ưa chuộng là 14 inch. Đây là kích thước vừa phải, tiện lợi khi di chuyển và vẫn đảm bảo màn hình đủ lớn để làm việc hiệu quả, dễ chịu trong thời gian dài. Ngoài ra các hãng máy tính lớn cũng đưa ra nhiều thiết kế với màn hình nhỏ 13 inch hoặc lớn hơn như 15,6 inch.
Khi mua máy, các bạn có thể kiểm tra trực quan độ phân giải và màn sắc, chất lượng hiển thị của màn hình. Tuy cùng sử dụng màn hình LCD đèn hình LED nhưng mỗi hãng máy lại có những ưu điểm riêng, thậm chí cùng một hãng máy nhưng các dòng sản phẩm khác nhau có thể có độ phân giải và màu sắc màn hình khác nhau. Nhiều sinh viên cho biết các dòng máy Mac cho chất lượng màu thật hơn so với các dòng laptop thông thường như ASUS, HP, Dell…
Hotcourses mách bạn: Một lần nữa, ngành học mà các bạn sẽ theo đuổi thời du học cũng ảnh hưởng nhiều đến lựa chọn màn hình và độ phân giải. Những du học sinh học chuyên về đồ họa, thiết kế, dựng phim thường chọn các loại máy tính dòng Workstation với các tiêu chí khác hoàn toàn so với máy tính phổ thông (về chip, ram, ổ cứng, card màn hình…) vì họ sẽ phải sử dụng máy tính mỗi ngày.
- Những loại máy tính bảng nhỏ gọn đa chức năng
Các bạn cũng có thể cân nhắc chọn mua các loại máy tính bảng mỏng nhẹ như Microsoft Surface, Asus Transformer Mini T102, HP x2 210, Lenovo Miix 310… Các dòng máy thường có RAM 4B, bộ nhớ eMMC 64 đến 128GB, cổng USB tiêu chuẩn và cổng micro HDMI để xuất màn hình ngoài, thuận tiện cho việc trình chiếu nội dung với học sinh, sinh viên. Ưu điểm lớn nhất là các loại máy này đều mỏng, nhẹ dễ dàng sử dụng phù hợp với nhu cầu của các bạn sinh viên cần di chuyển nhiều.
Thậm chí, nhiều chiếc laptop có thể gấp 360 độ cho phép bạn tùy chỉnh và sử dụng dễ dàng dưới dạng máy tính, máy tính bảng và cả chế độ “hình lều”. Các lựa chọn lý tưởng đối với sinh viên bao gồm Lenovo Yoga 310 (Intel Pentium N4200, RAM 4GB, bộ nhớ SSD 128GB), HP Pavilion x360 11 (Intel Pentium N3710, RAM 4G, ổ cứng 1TB).
Hotcourses mách bạn: Trong trường hợp đang để mắt đến những chiếc máy tính nhỏ gọn, đa chức năng, bạn có thể tìm hiểu những chiếc máy tính có bàn phím dễ dàng tháo lắp để thuận tiện hơn cho việc mang “laptop” đi khắp nơi, thậm chí có thể dùng nó như máy để đọc tài liệu trực tuyến.
Hy vọng sau khi đọc bài viết này, các bạn sẽ có những hình dung rõ ràng hơn về chiếc laptop tương lai sẽ cùng đồng hành với bạn trong những tháng năm du học. Hãy chuẩn bị một khoản tiền hợp lý, đưa ra những tiêu chí sử dụng của mình để sớm tìm ra chiếc máy tính phù hợp. Đặc biệt, trong trường hợp bạn sẽ đi du học tại một quốc gia có bàn phím khác với bàn phím chuẩn QWERTY (như Pháp, Đức, Ý, Đan Mạch, Na Uy…), có thể việc mua máy tính với bàn phím có ký hiệu ngôn ngữ địa phương sẽ thuận lợi hơn cho khâu sử dụng.