5 cách tích lũy tài chính bạn có thể làm ngay để đi du học

Vấn đề lớn nhất bất cứ ai đi du học phải đối mặt là: “Làm thế nào có đủ tài chính thực hiện ước mơ học tập ở trời Tây?”. Nhiều người quyết tâm giành học bổng từ các cơ quan chính phủ và tổ chức uy tín với sự cạnh tranh khốc liệt, số còn lại chọn cách tự túc toàn bộ chi phí. Do đó xây dựng một “ngân quỹ” vững vàng trước khi đặt chân tới vùng đất mới là điều không-thể-bỏ-qua.

Chọn nơi du học “hợp ý – hợp túi tiền”

Để thoát khỏi gánh nặng tiền bạc và yên tâm học tập, bạn hãy bắt tay ngay vào việc chọn một nơi học tập lý tưởng, phù hợp với mục tiêu và “túi tiền”. Có rất nhiều địa điểm du học ngay từ đầu không nằm trong danh sách ưu tiên, nhưng nếu nơi ấy có chế độ hỗ trợ sinh viên tốt, cùng mức học phí và chi phí sinh hoạt không quá cao, lại đáp ứng mục tiêu học tập thì đó nên là lựa chọn của bạn.

Rất nhiều quốc gia hiện nay có bảng giá mức sinh hoạt và các điều kiện sống liên quan làm nguồn tư liệu tham khảo hữu ích. Tùy vào từng thành phố mà mức học phí và các hỗ trợ sẽ khác nhau. Ví dụ Mỹ là nước bạn khao khát đi du học, nhưng sống tại New York và Los Angeles sẽ luôn đắt đỏ hơn mức sống trung bình ở nhiều thành phố khác. Ngoài ra, việc bạn chọn ở ký túc xá trường hay thuê trọ tại nhà của người bản địa cũng ảnh hưởng tới các chi phí sinh hoạt chung.

Ký túc xá không phải là phương án sống rẻ, nhưng là lựa chọn của nhiều sinh viên, vì lý do an toàn và các hỗ trợ tiên nghi từ phía nhà trường. Đừng quên tìm hiểu kỹ hệ thống giao thông công cộng tại nơi bạn ở, bởi nếu bạn tham nhà giá rẻ mà chọn ở quá xa, thì bạn cũng sẽ mất một khoản kha khá cho chi phí đi lại thay vì ở gần trường. Một cách khác được nhiều du học sinh ưa thích là sử dụng xe đạp hoặc tham gia các chương trình “đi chung xe” tại nhiều thành phố để tiết kiệm chi phí hàng tháng.

Việc chọn nơi du học còn tùy thuộc vào độ dài của chương trình học. Do đó đừng quên đọc kỹ tài liệu về toàn bộ khóa học, bởi một số khoản phí đặc biệt cho sinh viên nước ngoài có thể phát sinh mà bạn cần lường trước. Tiền mua sách giáo trình luôn ngốn một khoản kha khá ngân quỹ của bạn, nên thay vì mua mới, bạn có thể tới thư viện mượn sách và giữ chúng thật cẩn thận là có thể yên tâm học cả kỳ.

Tìm kiếm mọi nguồn hỗ trợ tài chính

Ngay cả khi du học tự túc, bạn vẫn có thể tìm thấy cơ hội được hỗ trợ tài chính từ các tổ chức hay từ chính trường mình học. Quan trọng nhất là sự chủ động của chính bạn! Hãy chủ động tìm kiếm mọi thông tin liên quan tới chương trình học, những nguồn học bổng ngắn hạn hay vay học phí với lãi suất thấp thông qua website của nhà trường, các diễn đàn chia sẻ của sinh viên khóa trước…

Khi đã nắm bắt được những thông tin quý giá, bạn hoàn toan có cơ hội nhận được các khoản trợ cấp về học phí, chi phí ăn ở, vé máy bay miễn phí…. Vì vậy hãy theo sát các thông tin liên quan, nắm vững ngày/ giờ làm đơn đăng ký để tăng lợi thế cạnh tranh cho bản thân. Bởi hầu hết những hỗ trợ này luôn rất đông các du học sinh cùng thèm muốn, do đó theo sát thông tin và chuẩn bị hồ sơ thật tốt để không lỡ mất cơ hội vàng.

Tìm kiếm các công việc làm thêm

Có rất nhiều khoản phí phát sinh khi bạn chuẩn bị hồ sơ du học, phí visa là một ví dụ. Vì vậy để tăng thu – giảm chi một cách tối đa, nhiều bạn nghĩ ngay tới cơ hội làm việc ngoài giờ tại đất nước mình sắp tới. Nếu biết cách cân đối chi tiêu, bạn hoàn toàn có thể dùng số tiền làm thêm trang trải sinh hoạt phí. Hơn nữa đó cũng là cơ hội rèn luyện khả năng giao tiếp với người bản xứ, mở rộng mạng lưới quan hệ. Chưa kể, nếu bạn có ý tưởng định cư sau khi tốt nghiệp, công việc làm thêm là cú hích tuyệt vời ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng.

Tuy nhiên, mỗi quốc gia và trường học sẽ có quy định riêng về làm ngoài giờ của sinh viên ngoại quốc, do đó hãy đọc kỹ những thông tin này để không khiến bản thân gặp rắc rối. Nhưng đừng quá mải mê làm việc mà quên mất mục đích chính khi quyết định “xách balo lên” của bạn là đi du học. Do đó hãy cân bằng mọi thứ và biết vừa đủ, để tận hưởng hành trình du học thật trọn vẹn.

Dự trù ngân sách cho các khoản phí phát sinh

Bên cạnh phí làm visa, du học sinh không thể không tính đến tiền vé máy bay đắt đỏ. Nếu có sẵn máu du lịch, thì những chuyến đi ngắn ngày khám phá trời Tây tranh thủ dịp nghỉ học sẽ ngốn của bạn kha khá. Nếu bạn ở Paris, London, Amsterdam, Rome… thì Anh và các nước thuộc khối Schengen sẽ có lợi thế về hệ thống giao thông công cộng xuyên biên giới với giá cực ưu đãi. Trường hợp bạn muốn vi vu xa hơn, hãy đảm bảo đặt vé máy bay sớm và canh giờ khuyến mãi để tiết kiệm hầu bao mà vẫn có thể ăn chơi thả ga nha.

Là du học sinh, chuyện ăn uống cũng rất nhức đầu. Nếu có thể, hãy tự nấu ăn thay vì ăn ngoài thường xuyên. Trong trường hợp không thể, hãy làm quen với những người bạn bản xứ, họ sẽ giúp bạn tìm ra các địa chỉ thưởng thức rất “ngon – bổ – rẻ”. Thêm nữa chuyện mua sim/ thẻ điện thoại có kết nối internet khiến nhiều bạn lúng túng, cách tốt nhất hãy chủ động tìm kiếm thông tin các nhà mạng tại nơi bạn ở. Hoặc ghé thăm các trang diễn đàn sinh viên nghe ngóng để mua chúng với giá hời và tận dụng tối đa các gói cước.

Nhiều trường học cũng yêu cầu sinh viên ngoại quốc phải có bảo hiểm y tế, và thường bạn sẽ mua khi nhập học. Công ty tư vấn du học giúp bạn hoàn thiện hồ sơ có thể lo dùm bạn việc này, hoặc đôi khi chính bạn phải tự liên hệ với nhà trường. Dù là trong trường hợp nào cũng luôn đặt bản thân ở thế chủ động và không quên dành 10 – 15% quỹ tài chính cho những việc khẩn cấp nhé.

Tận dụng các tiện ích và ứng dụng quản lý tài chính

Khó có thể biết bạn chi tiêu ra sao, nếu không thực sự ghi chép chúng lại. Chẳng cần học kế toán, chỉ cần tải các ứng dụng quản lý tài chính (như Mint) là bạn đã có trong tay cuốn sổ thu – chi cực tiện lợi và dễ dùng. Hầu hết chúng hoạt động trên nguyên tắc mọi khoản thu hay chi tiêu đề cần được ghi lại mỗi ngày. Sau đó cuối mỗi ngày/ tuần/ tháng sẽ có tổng kết giúp bạn hình dung mình đang sử dụng đồng tiền thế nào, từ đó có cách cân bằng “ví tiền” phù hợp.

Và tất nhiên, đừng quên đăng ký thẻ thành viên của các app có ưu đãi dành riêng cho sinh viên như giảm giá vé trên các phương tiện công cộng, miễn phí vé vào bảo tàng, khuyến mãi mua hàng…Một số ngân hàng nước ngoài vừa cho phép bạn mở tài khoản và tiền hành giao dịch tiền tệ miễn phí, vừa phát triển các app quản lý chi tiêu trực tiếp trên tài khoản của bạn cực kỳ dễ dàng và cũng…hoàn toàn miễn phí.