5 nguyên tắc vàng khi săn học bổng lớn

Nhờ có hàng nghìn học bổng và các chương trình hỗ trợ tài chính nhắm đến các nước đang phát triển như Việt Nam, mà du học không còn là một đặc quyền của riêng giới nhà giàu. Dù là học bổng toàn phần hay bán phần thì khoản tiền trợ cấp từ học bổng thực sự giúp chấp cánh ước mơ du học của bạn.

Săn các học bổng là một quá trình cần đầu tư nhiều thời gian và công sức, nhưng khi đã nắm được các bí kíp cốt lõi thì con đường chinh phục học bổng sẽ dễ dàng hơn:

 

#1 Dành thật nhiều thời gian để tìm hiểu

Tất nhiên, bạn không thể ngồi một chỗ rồi ước về một học bổng như là món quà từ-trên-trời-rơi-xuống. Bạn phải lục lọi thông tin và tìm kiếm trên rất nhiều trang web. Khi đã khám phá ra một số chương trình học bổng thích hợp, bạn vẫn có thể tốn hàng giờ đồng hồ để đọc hiểu về các tiêu chí học bổng, suy nghĩ về thế mạnh của thân và viết thư xin học bổng. Bạn càng nộp đơn vào nhiều chương trình học bổng thì cơ hội chinh phục học bổng để đi du học càng cao.

Hãy kết hợp nhiều công cụ tìm kiếm internet vì danh sách các học bổng thường được đăng tải ở nhiều nơi chứ không ở sẵn cùng một chỗ. Tuy nhiên, NAFSA là một trang thông tin uy tín và tập hợp một lượng dữ liệu khá đồ sộ về học bổng trên thế giới.

Bạn có thể tăng tốc quá trình ‘Google’ học bổng bằng các từ khóa theo tiêu chí sau:

  • Theo địa điểm, khu vực, đất nước, thành phố: Các học bổng này thường nhằm thu hút nhân tài đến một vùng cụ thể, và nhận sự tài trợ từ các trường đại học, chính phủ nước sở tại hoặc từ chính phủ của nước bạn.
  • Theo chương trình và ngành học cụ thể: Các chương trình này thường gắn với một số khóa học và ngành nghiên cứu cụ thể, nên người nhận học bổng bắt buộc phải thể hiện được mong muốn theo đuổi ngành học đó. Hãy tìm đến các các chương trình nghiên cứu độc lập hoặc các chương trình nghiên cứu của trường đại học để nắm bắt các cơ hội mới nhất.
  • Theo đối tượng: Đây là các gói học bổng dành cho các nhóm đối tượng đặc biệt, ứng viên có thể được xem xét dựa trên thành tựu cá nhân, hoặc dựa trên các yếu tố về giới, chủng tộc, tôn giáo, khuyết tật v.v.
  • Theo tổ chức: Các học bổng cũng thường được cấp từ phía các tổ chức cá nhân, các tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức về di sản văn hóa, chứ không chỉ từ phía các trường đại học hay chính phủ, nên bạn đừng quên theo dõi thông tin các gói học bổng hoặc trợ cấp từ các tổ chức này.

 

#2 Tận dụng mọi sự giúp đỡ

Khi phải ngụp lặn trong ‘biển’ thông tin học bổng, hãy nhớ bạn vẫn có thể tìm kiếm lời khuyên và hỗ trợ từ những người xung quanh để xác định các gói học bổng phù hợp nhất? Nhiều trường thường có hẳn một văn phòng để tư vấn cho sinh viên có mong muốn đi du học. Hoặc hãy thử đến gặp và nói chuyện trực tiếp với các giáo viên và giáo sư trong khoa của bạn.

Thay vì ngồi đợi email trao đổi qua lại với thầy cô, bạn nên chủ động sắp xếp trò chuyện trực tiếp với họ để tiết kiệm thời gian của đôi bện.

Ngoài ra, bạn bè và gia đình cũng có thể giúp bạn rất nhiều. Họ có thể giúp bạn kết nối tới những cựu du học sinh thành công, hoặc tiết lộ cho bạn những thông tin hữu ích mà ít người biết tới.

Nếu bạn vẫn còn rất nhiều thắc mắc, hãy đừng ngần ngại liên lạc tới thẳng đơn vị tài trợ học bổng bởi họ là người hiểu rõ nhất về phương pháp xét duyệt từng loại học bổng và có thể tư vấn cho bạn loại học bổng phù hợp nhất với trình độ và hoản cảnh cá nhân.

 

#3 Cập nhật CV thường xuyên

Sau khi đã tìm được học bổng phù hợp, bạn cần bắt tay vào chuẩn bị một bộ hồ sơ đơn xin học bổng ‘sáng giá’. Lúc này, CV (Sơ yếu lý lịch) có vai trò cực kỳ quan trọng. Hãy căn chỉnh CV thật kỹ để đảm bảo nó vừa súc tích mà vẫn làm nổi bật được những thành tựu xuất sắc nhất, đặc biệt là kinh nghiệm học tập và làm việc ở nước ngoài và các dự án, hoạt động ngoại khóa ý nghĩa.

Thư xin học bổng là nơi bạn tạo ấn tượng ban đầu với nhà tài trợ và phải nêu bật được lý do vì sao họ nên cấp học bổng cho bạn. Hãy để từng con chữ thể hiện được niềm đam mê và tính cách thực của bạn, vì chỉ khi đó, người đọc mới thấu hiểu và bị bạn thuyết phục.

Hãy điều chỉnh và thêm thắt một số chi tiết trong thư học bổng sao cho phù hợp với từng chương trình. Đừng chỉ dùng một mẫu thư xin học bổng chung chung cho tất cả các bộ hồ sơ khác nhau, vì các trường đại học rất dễ phát hiện giọng văn kiểu này.

 

#4 Theo sát kế hoạch

Khi chuẩn bị hồ sơ học bổng cho nhiều chương trình khác nhau, bạn có thể bị căng thẳng và dễ quên đi các deadline (thời hạn nộp đơn). Hãy đánh giấu các mốc thời gian này vào trong lịch hoặc nhật ký cá nhân để bạn có thể luôn theo sát tiến độ và hoàn thành hồ sơ đúng hạn.

Quá trình lập hồ sơ học bổng tất nhiên sẽ khá gian nan và làm bạn mệt mỏi, nhưng hãy giữ thói quen tỉ mỉ trong từng chi tiết. Vì một bộ hồ sơ hoàn thiện sẽ được xét duyệt nhanh chóng mà không cần phải bổ sung thêm giấy tờ nào khác.

 

#5 Tin vào chính mình

Hãy thành thật với chính mình và với nhà tài trợ học bổng. Điều này có vẻ sáo rỗng nhưng thật ra lại là nhân tố vô cùng quan trọng. Đừng nói quá về khả năng của bạn hay khoe hoang về bản thân. Ngược lại, hãy thể hiện một thái độ chân thành khi viết về đam mê và hoài bão của bạn.

Nhà tài trợ học bổng muốn đảm bảo tiền của họ sẽ được đầu tư vào đúng người, nên hãy chia sẻ thật lòng về những lý do khiến bạn xứng đáng với số tiền đó.

Nếu bạn vẫn chưa đạt được một học bổng giá trị, hãy thử qua các công cụ khác, như: thử ‘gây quỹ’ (crowdfunding) qua các mạng xã hội như FundMyTravel, hoặc săn lùng cơ hội làm việc ở nước ngoài (au-pair) như trông trẻ hay làm gia sư…