Điện thoại di động là vốn công cụ giúp bạn nhanh chóng kết nối tới các mối quan hệ xã hội và dễ dàng truy cập internet. Tuy nhiên, các thế hệ điện thoại thông minh trong một thập kỷ vừa qua đang khiến chúng ta dễ dàng sa đà khi dành quá nhiều thời gian để khám phá các ứng dụng đi kèm.
Một khảo sát mới đây đã chỉ ra rằng mỗi người (ở độ tuổi trung niên) trung bình cứ 12 phút thì kiểm tra điện thoại một lần, nghĩa là tới cả 80 lần/ngày. Với nhóm người trẻ như học sinh, sinh viên và du học sinh thì chỉ số này lên đến 150 lần/ngày.
Hiện tượng ‘nghiện’ di động của giới trẻ không đã còn xa lạ và theo đó là các hệ lụy nghiêm trọng ảnh hưởng đến chất lượng sống. Vậy hãy xem cách ‘cai nghiện’ nào dưới đây là phù hợp với bạn nhất nhé?
‘Nghiện’ điện thoại có gì xấu?
Chặng đường từ chiếc điện thoại iPhone đầu tiên ra mắt năm 2007 cho tới thế hệ iPhone thứ 10 trong năm vừa qua đủ để cho thấy tốc độ phát triển chóng mặt của công nghệ di động nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng cao của người dùng (là bạn). Các nhu cầu này từ đâu mà ra? Các tập đoàn như Google, Facebook và Apple thu được nguồn lợi khổng lồ từ các ứng dụng (app) mà họ bán ra thị trường, nên họ sẽ làm mọi cách để thu hút sự chú ý của bạn vào các sản phẩm đó, khiến bạn yêu thích và nảy sinh nhu cầu sử dụng thêm.
Các ứng dụng trên điện thoại cũng được thiết kế tương tự như các trò chơi điện tử – có yếu tố gây nghiện thông qua việc khuyến khích người dùng sử dụng một cách thường xuyên và liên tục. Bạn rất hay nhận được các phần thưởng nhỏ cho mỗi lần sử dụng, và càng tham gia nhiều thì càng nhận thêm phần thưởng giá trị hơn. Các phần thưởng cứ treo lơ lửng trước mặt bạn, chờ bạn chinh phục, giống như cái bánh ngọt ăn mãi không bao giờ hết.
Tương tự, người ‘nghiện facebook’ luôn nhận được nhiều tiếng điện thoại ting ting thông báo lượt tương tác khi có người like, share hoặc comment về hình ảnh hoặc status chia sẻ trạng thái. Những cái thông báo màu đỏ đi kèm với tiếng chuông ting ting liên tục thu hút sự chú ý của não bộ chúng ta, tạo ra cảm giác thích thú như bạn vừa được ai đó chú ý. Dần dần Facebook trở thành ‘sân khấu’ của chính bạn với hàng trăm người theo dõi và kéo theo nhu cầu nhận được like, share, comment nhiều hơn cho những chia sẻ của cá nhân người dùng.
‘Nghiện’ điện thoại không như như nghiện ma túy – phải không phải là một cái tội, không trái phép và cũng không phải hủy hoại sức khỏe ngay lập tức. Nhưng bằng nhiều cách, nghiện điện thoại có thể phá hỏng cuộc sống của bạn, đặc biệt là các du học sinh có thể bỏ bê việc học, giao tiếp xã hội kém và lười tham gia vào các mối quan hệ thực tại. Điều quan trọng là bạn cần nhận ra: đâu là điểm dừng?
Việc ‘cai’ điện thoại không có nghĩa là bạn phải cách ly hoàn toàn với thiết bị di dộng này giống như các hình thức cai nghiện ma túy và cờ bạc. Cơ thể bạn không bị lệ thuộc quá lớn (như khi nghiện thuốc), nhưng cám dỗ về mặt tâm lý vẫn rất mạnh mẽ. Mấu chốt ở đây là bạn ‘học lại từ đầu’ cách dùng điện thoại – không cần dùng nhiều, mà chỉ cần hiệu quả, thích đáng.
Bạn có đang ‘nghiện’ điện thoại?
Bạn có khả năng đang bị ‘nghiện điện thoại’ nếu:
- Bạn sử dụng di động hơn 6 tiếng mỗi ngày
- Bạn cảm thấy bứt rứt nếu không được mở điện thoại thường xuyên (sau 10-15 phút)
- Bạn không ý thức được thời gian khi xài di động
- Bạn không duy trì hoạt động ăn ngủ được điều độ
- Bạn dễ nóng giận vì cái điện thoại hay những tin tức, sự kiện từ cái điện thoại
- Bạn dễ từ bỏ các hoạt động tương tác xã hội vì xài điện thoại
- Bạn thiếu ngủ đến mức ngủ gật trong khi xài điện thoại
Các dấu hiệu này không phải chỉ là dấu hiệu riêng của chứng ‘nghiện điện thoại’, mà đôi khi còn là hệ hụy từ các ảnh hưởng qua lại giữa nhiều vấn đề về tâm sinh lý khác như trầm cảm, lo lắng. Khi bạn bắt đầu cảm thấy mất kiểm soát với cuộc sống ở xứ người, hãy đến gặp chuyên gia tâm lý ở ngay phòng sức khỏe của trường hoặc bệnh viên gần nhà để được tư vấn và hỗ trợ.
‘Cai nghiện’ điện thoại bằng cách thay đổi thói quen
Đời thay đổi khi ta thay đổi. Thay đổi các thói quen nhỏ hàng ngày sẽ góp phần thay đổi cuộc sống của bạn ngày càng ý nghĩa hơn.
(1) Tập các thói quen tốt
– Quy định giờ giấc dùng điện thoại
Hãy đặt ra một khung thời gian nhất định để cho phép bản thân dùng điện thoại thoải mái, ví dụ giờ giải lao buổi trưa hoặc buổi tối trước khi đi ngủ, và giới hạn thời lượng sử dụng chỉ trong vòng 1 tiếng. Bạn phải thực sự cam kết với chính mình, trừ những trường hợp khẩn cấp và thực sự cần thiết, thì nên tránh kiếm cớ để mở điện thoại.
– Đặt ra những trường hợp “Nói không với điện thoại”
Để tránh việc sử dụng điện thoại ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân, bạn cần quy định một số thời điểm không được phép xài điện thoại, như khi ăn, khi đi vệ sinh, khi xem ti vi, khi gặp bạn bè… Thậm chí cho chắc chắn, bạn có thể khóa/ tắt điện thoại vào những thời điểm đó để tránh việc bị cám dỗ muốn mở điện thoại ra khi thấy Thông báo trên Facebook hoặc tin nhắn đến trong hộp thư thoại.
– Đặt mật khẩu thật dài, và đặt khóa tự động thật nhanh
Cách này thực sự khó chịu nhưng nếu cần thì bạn vẫn có thể phải sử dụng như một thủ thuật để đấu tranh với chính mình.
Thói quen đặt mật khẩu thật dài và phức tạp, đồng thời xóa hết các chức năng mở điện thoại khác (như mở bằng dấu vân tay hay nhận diện khuôn mặt), khiến việc mở điện thoại vừa ‘bất tiện’, vừa tạo ra một khoảng thời gian cần thiết để bạn tự đấu tranh tư tưởng – ‘Mình có thật sự cần phải mở ra không?’. Bên cạnh đó bạn nên nhớ đặt thời gian khóa điện thoại tự động thật ngắn – chỉ 30 giây chẳng hạn, để khi bạn đặt điện thoại xuống nó sẽ nhanh chóng khóa lại.
– Thử một thú vui khác
Cuộc sống rất ngắn ngủi trong khi còn rất nhiều thứ thú vị đang chờ bạn trải nghiệm, trong số đó không ít hoạt động có thể mang lại những điều bổ ích hay cho bạn những kỷ niệm ý nghĩa. Có thể bạn không thấy hứng thú ngay, nhưng mỗi ngày dành ra 10-15 phút thực hành thói quen đó có thể góp phần hình thành nên một con người mới. Khi thói quen mới hình thành, có khi bạn chẳng nhận ra là bạn đã bỏ rơi cái điện thoại từ lâu rồi ấy.
(2) Học cách dùng điện thoại hiệu quả
– Xóa bớt các ứng dụng
Điện thoại có chức năng quan trọng nhất là để liên lạc. Nhắn tin đôi khi cũng quan trọng trong những trường hợp nhất định. Ngoài ra, các ứng dụng khác như trò chơi, ứng dụng chat, mạng xã hội khác có thật sự cần thiết hay tác động tích cực đến cuộc sống của bạn hay không? Cái nào không thực sự cần thiết thì hãy xóa đi.
Điện thoại ngày nay được tích hợp rất nhiều chức năng với mục đích là giúp cho người dùng tiện lợi hơn trong sử dụng, nhưng đôi khi lại góp phần hình thành thói quen xấu của bạn. Nó khiến cho bạn trở nên quá phụ thuộc vào cái điện thoại.
– Đổi màu điện thoại
Các ứng dụng trên điện thoại cố tình được thiết kế bắt mắt với nhiều màu sắc đa dạng nhằm thu hút sự chú ý của bạn. Vậy nên để tránh cái ‘bẫy màu sắc’ này, bạn thử đổi màu màn hình nền sang tông xám xem! Có thể cái di động sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn hẳn, nhưng chẳng phải bạn đang cần thêm lý do để ‘chán’ nó đấy sao?
– Tắt Thông báo trên các ứng dụng
Các ứng dụng được thiết kế để lôi kéo sự chú ý của bạn nên các Thông báo sẽ liên tục cập nhật để bạn phải mở điện thoại ra và tương tác. Việc này lâu dần hình thành thói quen cứ chốc chốc bạn lại mở điện thoại dù có Thông báo hay không. Nên hãy thử tắt hết các Thông báo ứng dụng, đặt điện thoại ở chế độ im lặng hoặc ‘Không làm phiền’ để bạn không phải đụng đến nó trong một thời gian.
–Tự theo dõi thói quen sử dụng điện thoại
Hãy thử ghi chép lại quá trình sử dụng điện thoại của bạn, như thời lượng, mức độ thường xuyên… Bạn sẽ nhận ra thời gian trôi nhanh như thế nào và tự thấy mình đã tiêu tốn quá nhiều thời gian chỉ cho cái điện thoại mà bỏ quên nhiều việc cần làm khác.
– Không báo thức bằng điện thoại
Ngoài các chức năng cần thiết của điện thoại, nên hạn chế sử dụng điện thoại thay thế các chức năng khác, như đồng hồ báo thức, để tránh việc bạn cứ phải dính lấy cái điện thoại.
– Cảnh giác với các mẩu tin
Chỉ sử dụng điện thoại để tìm tin tức khi thật sự cần thiết, giúp cải thiện cuộc sống của bạn, ví dụ như bài báo này đang giúp bạn nhận ra thói quen sử dụng điện thoại của bản thân chưa được hiệu quả. Nhìn chung, bạn nên cảnh giác với ‘biển’ tin tức và ‘rừng’ báo lá cải hay đập vào mắt bạn mỗi khi lướt web.
(3) Tránh xa cái điện thoại
Nếu bạn cảm thấy bạn cứ muốn mở điện thoại ra, hãy thử đi ra chỗ khác – tránh xa cái điện thoại – đến phòng tập gym hay đạp xe vòng quanh và không mang theo điện thoại. Hãy tìm thứ gì đó hay ho hơn để làm.
Khi bạn cần tập trung làm việc, tốt nhất nên cất điện thoại vào một chỗ mà bạn không thể rờ tới được để tránh cái cảm giác cứ nhìn về cái điện thoại là lại muốn cầm nó lên.
Ngoài ra, bạn nên thử tìm đến một số vùng không có sóng điện thoại, như là một ngọn núi hay một khu rừng gần trường chẳng hạn, để mỗi cuối tuần, bạn có thể tìm đến đó và tập đi leo núi, cắm trại, đắm mình trong thiên nhiên, đọc sách, tận hưởng thời gian riêng tư và nói không với điện thoại.
(4) Tìm sự giúp đỡ
Nếu đã thử hết các cách trên mà bạn vẫn chưa ‘cai’ điện thoại được, thì hãy tìm sự giúp đỡ ngay từ những người xung quanh. Nhờ bạn bè hoặc các thành viên trong gia đình hỗ trợ, nếu nghiêm trọng hơn, thì các chuyên gia tâm lý có thể giúp tư vấn thêm cho bạn các cách can thiệp hiệu quả hơn.