“Dắt túi” những ứng dụng học ngoại ngữ hiệu quả

Không phải ai cũng có được khả năng ngoại ngữ thiên bẩm như những tấm gương IELTS và TOEFL đỉnh cao mà báo chí vẫn ca ngợi. Thực tế thì việc học ngoại ngữ không hề dễ dàng tí nào và thậm chí là nỗi 'ác mộng' của rất nhiều người trước ngày đi du học. 

Nhưng đừng quên chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ, đi cùng nhu cầu học ngoại ngữ tăng cao thì các ứng dụng và trang web cũng xuất hiện ngày càng nhiều, giúp bạn dễ dàng cải thiện kỹ năng dù cho ngoại ngữ của bạn có xuất phát từ con số 0 đi nữa. Tất nhiên, điểm cộng cực kỳ lớn của những công cụ Internet này là có rất nhiều thứ…miễn phí. 

Hãy cùng điểm qua những ứng dụng tốt nhất để bạn lựa chọn phương pháp phù hợp nhất cho mình nhé!

 

Duolingo

Có lẽ đây là ứng dụng học ngoại ngữ được biết đến và sử dụng rộng rãi nhất, Duolingo kết hợp phương pháp “vừa học vừa chơi” đem lại trải nghiệm thú vị và hiệu quả cho người dùng. Các bài học được chia thành những tài tập nhỏ từ 5 đến 10 phút vì vậy bạn có thể linh động thời gian học trong ngày.

Duolingo rất thành công trong việc “giữ chân” người dùng bằng cách cộng điểm thưởng, điểm “chuyên cần” cho tài khoản truy cập hàng ngày. Tuy nhiên do thời lượng của mỗi bài học khá ngắn nên quá trình học của bạn (nhất là với những điểm ngữ pháp hay cấu trúc phức tạp) sẽ bị kéo dài ra.

Vì lí do trên nên Duolingo phù hợp nhất với những bạn mới bắt đầu tìm kiếm sở thích ngoại ngữ hay đơn giản muốn ôn luyện một chút từ vựng mỗi ngày. Nhưng nếu bạn thật sự nghiêm túc trong mục đích học tập của mình thì tốt nhất bạn nên sử dụng Duolingo song song với một hình thức học ngoại ngữ khác để đạt kết quả như mong muốn.

Ưu điểm: Dễ sử dụng, miễn phí

Nhược điểm: Không hiệu quả trong việc học ngữ pháp, tốn nhiều thời gian để nhận thấy tiến bộ

 

Busuu

Busuu cung cấp những khoá học bằng 12 ngôn ngữ. Ứng dụng này hoàn toàn miễn phí, bên cạnh đó còn có tài khoản cấp cao (premium) với mức phí $17 mỗi tháng. Cũng giống như Duolingo, người dùng được học qua những bài học ngắn dựa trên từng chủ đề, phù hợp cho người mới nhập môn đang tìm kiếm hình thức học theo ngữ cảnh.

Điều khiến Busuu tạo ra sự khác biệt là người dùng có thể giao lưu trực tuyến và chữa lỗi ngữ pháp cho nhau. Cả sinh viên lẫn học viên đều được cộng thêm điểm trong tài khoản khi tham gia những buổi học này.

Busuu nhìn chung khá giống Duolingo, nhưng với tính năng Premium, người dùng sẽ dễ dàng khai thác nhiều kiến thức bài học hơn. Và tất nhiên cũng không tránh khỏi mặt hạn chế là bạn phải trả tiền để có được những bài học với chất lượng tốt nhất.

Ưu điểm: Được trò chuyện cùng người bản xứ, cung cấp nhiều bài học khoá học bổ ích

Nhược điểm: Trả phí hàng tháng, tốn nhiều thời gian để nhận thấy tiến bộ

 

Google Translate

Dù không phải là một ứng dụng học ngoại ngữ như Duolingo hay Busuu nhưng Google Translate vẫn mang lại một trải nghiệm học ngoại ngữ thú vị cho người dùng.

Công cụ này thường được sử dụng dịch thuật những cụm từ hoặc đoạn văn ở bất kì nguồn tài liệu nào, dù đó là những từ ngữ cần thiết cho bạn hay đôi lúc chỉ là đoạn văn bạn bạn bắt gặp bâng quơ đâu đó (có thể là cả bộ truyện Harry Potter hay những cuốn sách yêu thích của bạn) thì Google Translate sẽ đưa ra kết quả dịch thuật cực “chất” đấy.

Đù vậy thì điểm yếu của công cụ này là bạn phải tự tổ chức các bài học cho mình vì đây không phải là một ứng dụng học ngoại ngữ chính thống, và bạn sẽ tốn kha khá thời gian cho chuyện này.

Ưu điểm: Miễn phí, dùng vô hạn, có thể tải về điện thoại di động

Nhược điểm: Không chính xác 100%, bạn phải tự mình soạn bài học

 

Rosetta Stone

Rosetta Stone là một trong những phương pháp học ngôn ngữ lâu đời thông qua internet. Được sáng lập năm 1992, có nhiều ý kiến rằng Rosetta Stone là hình mẫu để những chương trình Duolingo, Busuu, Babbel hay nhiều ứng dụng khác học hỏi theo. Rosetta Stone ban  đầu thiết kế dành riêng cho máy tính bàn và laptop, nhưng sau này những khoá học đã được tích hợp trên các thiết bị di động.

Điểm hạn chế của Rosetta Stone là  giá thành cao. Trong khi hầu hết các ứng dụng học ngoại ngữ đều miễn phí (dù đi kèm nhiều quảng cáo), Rosetta Stone vẫn yêu cầu bạn trả một mức phí khi sử dụng. Một vài khoá học thậm chí còn có thời hạn, có nghĩa là bạn phải trả tiền hàng năm hoặc 2 năm một lần. Hiện nay mức phí dao động khoảng $250 cho một khoá học 24 tháng.

Tuy nhiên, tiền nào của nấy. Rosetta Stone là một ứng dụng ngôn ngữ nổi tiếng cho các doanh nghiệp, và người dùng hoàn toàn có thể mong chờ vào một chương trình giáo dục chuyên nghiệp từ công cụ này.

Ưu điểm: Hiệu quả lâu dài, khoá học bài bản và chuyên nghiệp

Nhược điểm: Chi phí cao, tập trung vào nền tảng máy tính nhiều hơn di động