Để du học sinh không còn 'mất ăn, mất ngủ' vì chọn đề tài luận văn tốt nghiệp

Luận văn tốt nghiệp là một trong những thử thách lớn nhất trong quãng thời gian du học của bất kỳ ai. Nhiều du học sinh còn bắt đầu chuẩn bị chọn đề tài ngay từ năm hai/năm ba đại học. Nhưng những bạn đi du học bậc thạc sĩ & tiến sĩ thì phải bắt tay ngay vào làm việc này chỉ sau 3 tháng ‘chân ướt chân ráo’ làm quen với cuộc sống & trường lớp mới.

Luận văn cuối khoá là một công trình mang bản sắc cá nhân, nên ‘nguyên liệu’ đầu tiên để có được một bài luận văn xuất sắc chính là tính sáng tạo của chính bạn. Bên cạnh đó, quyết định chọn đề tài luận văn còn tùy theo khả năng, kiến thức, thời gian và thậm chí là… điều kiện tài chính của bạn. Những bí kíp dưới đây sẽ là “kim chỉ nam” để trải nghiệm chọn đề tài luận văn khi đi du học của bạn dễ dàng hơn rất nhiều.

 

Đầu tiên là… tìm (ở) đâu?

Trước tiên, đề tài luận văn cần xoay quanh ý tưởng của bạn và nên được “gói gọn” trong một hoặc hai dòng. Đề tài vừa phải trình bày được mục đích nghiên cứu, vừa phải thể hiện mối quan tâm đặc biệt của bạn đến đề tài này. Bạn có thể sẽ tìm thấy khía cạnh mà mình muốn nghiên cứu hay đôi khi là những vấn đề mà bạn chú ý qua những năm đầu đại học, những gợi ý này sẽ giúp bạn tiết kiệm khá nhiều thời gian đi tìm đề tài trong năm cuối. 

Một đề tài tốt nên đáp ứng được 4 yêu cầu sau:

  • Là đề tài mà bạn thực sự hứng thú
  • Là đề tài dễ gây hứng thú từ người đọc
  • Là đề tài mà bạn có thể phát huy và bộc lộ những đặc điểm và đam mê cá nhân
  • Là đề tài có tiềm năng khai thác và phát triển sâu hơn trong tương lai 

 

Xác định đề tài

Sáng tạo, sáng tạo và sáng tạo là yếu tố gần như quyết định sự thành công của việc chọn đề tài luận văn, ngay cả khi ngành học của bạn thường chẳng có liên quan gì đến lĩnh vực sáng tạo. Dục tốc bất đạt – hãy dành nhiều thời gian để cân nhắc và thoải mái chọn lựa kỹ đề tài phù hợp với mình. Đôi lúc ý tưởng tuyệt vời nhất lại xuất hiện khi bạn phải “sàng lọc” hàng tá những ý tưởng (tưởng chừng như) “vô dụng”.

Bạn rất dễ cảm thấy như mình đang lãng phí nhiều thời gian và sức lực vào công đoạn tìm kiếm đề tài, nhưng không có gì là vô ích cả! Biết đâu những ý tưởng vô dụng ban đầu ấy lại hóa ra rất hữu dụng cho đề tài luận văn về sau.

Khi đã có một danh sách những ý tưởng sơ khai, hãy đánh giá tính khả thi của từng đề tài bằng nhiều cách:

  • Hỏi ý kiến giảng viên, các nghiên cứu sinh và người đã có kinh nghiệm: tiếp thu mọi nhận xét về ý tưởng của bạn, rồi tra cứu và kiểm chứng thông tin;
  • Đảm bảo đề tài của bạn không bị “đụng hàng”: bạn có thể tham khảo các luận văn khác nhưng tuyệt đối  không được sao chép.
  • Nhấn mạnh  mối liên hệ chặt chẽ giữa đề tài và ngành học: bạn cũng đừng quên lồng ghép kiến thức đã học vào luận văn tốt nghiệp.

 

Đừng quên nghiên cứu thật kỹ!

Nhiều người mắc sai lầm khi lựa chọn chủ đề quá rộng lớn mà chưa tìm hiểu trước. Bạn sẽ khó có thể làm tốt luận văn nếu đề tài của nó “ôm đồm” quá nhiều thứ cùng một lúc. Những đề tài lớn sẽ buộc bạn phải tìm đọc và trích dẫn lại thành quả nghiên cứu của rất nhiều học giả đi trước – công việc này không quá khó, nhưng thường tốn rất nhiều công sức đọc hiểu và tổng hợp dữ liệu. Đồng thời, bạn sẽ không còn nhiều thời gian để phân tích sâu và bài luận dễ trở nên lan man, kém giá trị. 

Cố gắng đơn giản hoá mọi việc, nếu bạn hứng thú một lĩnh vực nào thì hãy chọn một đề tài cụ thể và đi sâu để nghiên cứu. Bằng cách đó, bạn sẽ phát huy tối ưu khả năng của mình và dễ dàng “bóc tách” từng khía cạnh nhỏ của đề tài đó.

 

Hãy khai phá những chân trời tri thức mới 

Tránh sử dụng những phương pháp nghiên cứu và thông tin đã “lỗi thời”. Thay vì chọn làm những đề tài ‘khiêm tốn’ để giải quyết những lỗ hổng nhỏ trong mảng tri thức hiện tại, hãy mạnh dạn đi theo những đề tài có tham vọng phát triển và cải tiến lĩnh vực lên một nấc thang mới.

Luận văn tốt nghiệp nên thể hiện sự mới mẻ và tính ứng dụng cao, hãy đưa ra mối liên hệ giữa đề tài của bạn với những nghiên cứu đương đại. Đọc các công trình nghiên cứu mới nhất hoặc liên hệ tới những bậc “tiền bối” trong từng lĩnh vực là một cách giúp bạn định hình rõ nét đề tài luận văn của mình.

 

Tóm lại là…

Trong quá trình nghiên cứu và chuẩn bị, bạn hoàn toàn có thể linh động thay đổi đề tài đi ít nhiều. Hãy cố gắng làm quen với đề tài bạn chọn trước khi bắt đầu đi vào thực hiện công trình. Ngay cả khi đang viết luận văn, bạn vẫn nên luôn cân nhắc các khía cạnh mới mẻ của đề tài này mà bạn chưa để ý từ trước. Một đề tài tốt phải giúp bạn trả lời rành mạch cho tất cả câu hỏi sau:

  • Mục đích của bài luận là gì?
  • Bạn sẽ dử dụng phương pháp gì?
  • Nghiên cứu của bạn cần chừng nào dữ liệu và chi phí?
  • Bạn sẽ cần những kỹ năng gì?
  • Trong khoa của bạn có ai từng có kinh nghiệm làm đề tài tương tự không?
  • Bạn có hứng thú với đề tài của mình không?
  • Mọi người sẽ quan tâm đến đề tài này không?
  • Nếu có, thì đối tượng nào sẽ hứng thú với luận văn của bạn?

Dù sao thì việc chọn đề tài chỉ là bước định hướng đầu, quá trình thực hiện nghiên cứu vẫn là quan trọng nhất. Không nên để tình trạng “đầu voi đuôi chuột” xảy ra khi bạn quá chú trọng vào đề tài mà hời hợt trong phương pháp nghiên cứu. Bạn nên nhớ một bài luận tốt là sự kết hợp giữa tính sáng tạo, thú vị trong chủ đề và sự chặt chẽ, thuyết phục về mặt nội dung.