Du học có dành cho người hướng nội?

Có không ít lầm tưởng rằng chuyện du học trước nay chỉ dành cho tuýp cởi mở, ưa va chạm với các nền văn hóa mới. Là một người hướng nội điển hình, phải chăng bạn chẳng thể cất cánh giấc mơ vươn tới trời Tây? Bài viết này sẽ cho thấy bạn chẳng hề đơn độc và du học là chuyện trong tầm tay.

Đừng tin vào quảng cáo!

Ngày ngày, không ít những mẩu quảng cáo, những bài viết hay từ chính các diễn giả dày dặn kinh nghiệm chia sẻ rằng, du học là cách tuyệt vời giúp bạn mở rộng mạng lưới bè bạn – du học sinh hòa mình trong môi trường năng động và cuốn vào vòng xoáy cuộc sống tấp nập sắc màu bên trời Tây. Điều ấy đúng nhưng chưa đủ, đó mới chỉ là một mặt của con xúc xắc.

Cũng như mọi hoạt động marketing khác, cách làm quảng cáo trong ngành giáo dục và du học cũng thường chỉ ‘khoe’ những điều tốt đẹp nhất về sản phẩm, để tô hồng hình ảnh thương hiệu. Lẽ dĩ nhiên, những điều tưởng-như-là-tốt ấy mới khiến bạn sẵn sàng chi cả đống tiền mua từ cái bàn chải đánh răng cho tới nhà lầu- xe hơi.

Chúng khiến bạn lầm tưởng rằng, hẳn phải là người cởi mở, chẳng ngại thay đổi môi trường mới có thể thích nghi. Dần dà, suy nghĩ ấy khiến ước mơ chạm tới tri thức bỗng trở thành gánh nặng, bởi bạn là một “người hướng nội” – chỉ những khi yên tĩnh một mình, bạn mới thực sự thấy bản thân được trò chuyện và được thấu hiểu – khác xa với phong thái sôi nổi thường thấy của giới du học sinh trong các hoạt động ngoại khóa hay sự kiện quốc tế.

Những hiểu lầm kìm lấy đôi chân

Mỗi khi thấy ai ngại giao tiếp và dường như có ý tách mình,… bạn liền “gán mác” đó hẳn là người hướng nội mà quên mất, rất có thể đó chỉ là sự ngại ngùng mới đầu trong một đám đông lạ mặt. Thực tế, ngại ngùng chỉ là một cảm giác sợ hãi phổ biến bắt nguồn từ một số niềm tin nội tại, trong khi hướng nội là nhóm các tính cách – lối sống xoay quanh và hướng đến tâm tưởng. Các khảo sát cho thấy số người tự nhận mình là người hướng nội thay đổi từ 16% đến 50% tùy theo cách đặt câu hỏi và tình huống. Định nghĩa về người hướng nội vẫn còn rất mơ hồ và dễ gây nhầm lẫn với số đông. Vì vậy đừng vội lo lắng về trạng thái của bản thân, rất có thể bạn hoàn toàn không phải tuýp hướng nội.

Introvert-2

Ngay cả khi bạn là người rất hướng nội, thì những hiểu lầm phổ biến (như bên dưới) cũng không nên làm chùn bước chân du học của bạn:

  • Nhanh mệt khi phải làm quen trong đám đông

Trong môi trường đa dạng văn hóa như du học, làm thế nào để hòa nhập khi bạn thuộc tuýp luôn tự mặc cảm, sợ hãi những lời mình nói ra hoặc ngôn ngữ cơ thể có điều gì không ổn,… Nhiều người cho rằng cách kết nối tốt nhất là học ngôn ngữ của những người bạn mới. Rõ ràng việc giao tiếp và cố gắng làm quen càng khiến bạn mệt mỏi hơn. Thay vào đó, bạn có thể chọn cách làm ngược lại để có một tâm lý thoải mái: Khi không giỏi ngoại ngữ bản địa, bạn sẽ có cơ hội được tập trung hơn vào ý nghĩa cuộc hội thoại, chứ không còn mặc cảm xem mình nói đúng ngữ pháp và văn phong hay chưa.

Bạn cũng có thể tự tận hưởng chuyến du học với những chiều miên man bên những hiện vật vô giá mang sắc màu quá khứ trong một bảo tàng nào đó. Vừa giúp bạn tăng kiến thức lại dễ dàng tiếp cận hơn với văn hóa địa phương. Hay tự thưởng một tách cafe và ngắm đường phố từ ô cửa một số quán nhỏ ven đường. Dành thời gian cho mình là cách bạn tự chuyện trò và hiểu bản thân hơn, bởi ngay cả người hướng ngoại cũng cần những khoảng lặng cuộc sống.

  • Có ít bạn thân

Khác với người hướng ngoại có hàng trăm lượt follow trên instagram hay lời mời kết bạn trên facebook, việc kết bạn với bạn không dễ dàng như vậy. Nhưng liệu có bao nhiêu người trong số bạn bè đó thực sự là người bạn thân trí cốt? Bởi tình bạn chân chính cần rất nhiều thời gian bên nhau, cùng trò chuyện và khám phá về nhau. Do đó bạn hoàn toàn có thể tìm một người bạn tốt, chỉ là bạn cần thời gian.

Để khiến mình chủ động, bớt ngượng ngùng khi gặp những người bạn mới, bạn có thể lên kế hoạch trước cho cuộc hẹn hoặc là người đến nơi hẹn sớm hơn. Như vậy sẽ có một khoảng thời gian đủ để bạn quan sát những người khác và nhanh chóng làm quen với họ. Và quan trọng hơn cả, là đừng bao giờ ngại thử bất cứ điều gì. Bạn sẽ lo lắng đôi chút, nhưng rõ ràng cuộc sống của chúng ta luôn chứa những điều bất ngờ.

  • Cảm giác cô độc trong môi trường mới

Bất cứ ai khi mới thay đổi môi trường đều có cảm giác đơn độc, hoặc nặng hơn là “shock văn hóa”. Đừng lo nếu bạn nằm trong số đó, thay vì thế bạn hoàn toàn có thể tận hưởng không gian một mình. Đến những nơi bạn muốn, nghe bản nhạc bạn thích và thong dong đi dạo quanh thành phố nơi bạn học tập mà chẳng phải nghe bất cứ ai phàn nàn. Đó cũng  là dịp tuyệt vời để tìm một góc yên tĩnh trong thư viện hay một quán cafe nào đó để hoàn thành những bài luận hay công trình nghiên cứu.

  • Nói ít và suy tư nhiều

Rõ ràng du học đem đến cho chúng ta những trải nghiệm khác biệt, mà nếu không thử sức sẽ chẳng ai biết bản thân mình sẽ đi xa được đến đâu. Ngay cả khi bạn không thuộc tuýp năng nổ trong mọi hoạt động, thì cũng chẳng sao, bởi du học là dịp để mỗi người tự nhận thức và rèn luyện chính mình. Bạn có thể từ từ gia tăng sự tự tin và đẩy cái tôi ra khỏi vùng an toàn bằng cách đặt ra những mục tiêu ngắn hạn như nói chuyện với một người bạn mới mỗi tuần, đến một nhà hàng lạ mỗi thứ bảy, đi xem một sự kiện nghệ thuật mỗi tháng…

Những người thông minh nhất trong lớp học, đôi khi lại chính là những người hay vắng mặt ở nhiều cuộc vui. Độc thoại và viết tự truyện hay nhật ký là những công cụ giúp phát triển tư duy vô cùng nhạy bén và chính nhờ quãng thời gian dư dả khi đi du lịch – du học lại cho phép bạn được thỏa sức thực hành những kỹ năng này.

Khi nắm rõ điểm yếu và điểm mạnh của bản thân, những người hướng nội sẽ biết cách biến tháng năm du học trở nên hữu ích và đầy niềm vui!