Làm lãnh đạo trẻ có khó như bạn nghĩ?

Ai cũng phải HỌC cách lãnh đạo!  

Hiểu một cách đơn giản thì thuật lãnh đạo là một tổ hợp các kỹ năng được học hỏi và trau dồi mỗi ngày. Ai cũng có tiềm năng trở thành một nhà lãnh đạo tài ba, mặc cho họ có tuổi tác, giới tính, chiều cao hay khuyết tật thể chất như thế nào đi nữa. Thế nhưng, chìa khóa quyết định ở những nhà lãnh đạo thực thụ lại nằm ở tính cách kiên trì và nỗ lực. Và chỉ có thời gian mới giúp người ta tôi luyện được phẩm chất này. Vậy nên hãy bắt đầu học cách rèn luyện kỹ năng lãnh đạo càng sớm càng tốt, ngay từ những ngày tháng sinh viên của bạn.

Vậy một nhà lãnh đạo trẻ thành công cần có tố chất gì? Mỗi người lại có một định nghĩa riêng về tố chất của người lãnh đạo giỏi. Tuy vậy, danh sách dưới đây là những đức tính chung nhất mà đại đa số các nhà lãnh đạo kiệt xuất đều bộc lộ khi còn trẻ: 

 

(1) Tận tụy:

Làm lãnh đạo là làm người dẫn đường, nhưng làm thế nào để mọi người “tâm phục khẩu phục” đi theo bạn? Những nhà lãnh đạo thực thụ không bao giờ ép buộc hay mua chuộc người khác để họ làm theo ý mình. Nhà lãnh đạo giỏi phải là người tiên phong. Để làm được điều đó, trước tiên họ phải làm thật tốt phần việc của mình. 

Nhưng cụ thể là làm gì? Câu trả lời nằm ở chính bạn – nghe quả là rất mơ hồ nhỉ, nhưng thực sự chỉ có bạn mới biết mình muốn gì và cần làm gì. Có người mơ làm một doanh nhân tiên phong, kẻ lại muốn làm một đạo diễn nổi tiếng, dù giấc mơ và thế mạnh của mỗi người có khác nhau nhiều thế nào, thì tất thảy mọi người đểu phải hết mình với công việc đủ lâu để trở nên thành thục trong vai trò của họ. 

Chăm chỉ là một đức tính có sức “lan toả”. Người ta rất dễ nhận dạng những kẻ lười biếng. Vậy nên người lãnh đạo không bao giờ được phép lơ là hay lười biếng. Nhiều người coi chăm chỉ và nhiệt thành là những bản tính bẩm sinh, tự nhiên mà có. Thực tế lại hoàn toàn ngược lại – chăm chỉ là một thói quen. Và thói quen ấy rất dễ được hình thành khi người ta còn trẻ.

 

(2) Giỏi giao tiếp:

Đã bao giờ bạn gặp phải những tình huống trớ trêu như: lúc mọi người trong nhóm đang chăm chú lắng nghe bạn nói về một đề tài gì đó, thì đột nhiên một cô bạn bị lạc kịp câu chuyện nên phải ngắt lời bạn để hỏi lại, hoặc vì bạn vô ý buộc miệng nói sai một chi tiết nào khiến cả nhóm lạc ý chưa?  

Khả năng diễn đạt suy nghĩ thành lời nói một cách điềm tĩnh là một công cụ có sức mạnh tối thượng với cả các nhà lãnh đạo. Nhưng nói tốt không thôi vẫn chưa đủ, làm lãnh đạo còn phải biết lắng nghe thật tốt, tiếp thu ý kiến của người khác và phản hồi cho người khác thấy bạn thấu hiểu họ.

Khi làm một thủ lĩnh sinh viên, hãy tạo ấn tượng đến mọi người rằng bạn luôn cởi mở, đón nhận câu hỏi, để rồi từ đó gây dựng lòng tin của tập thể. Hãy để người khác thấy bạn quan tâm đến họ, kiểm soát ngôn ngữ cơ thể thật tốt, nói ngắn gọn mà vẫn thật rõ ràng và rành mạch.

Nghệ thuật giao tiếp là một đề tài lớn với rất nhiều cuốn sách hay nên chỉ cần bạn biết lựa chọn những cuốn sách phù hợp cho mình là bạn đã có thể tự học kỹ năng này được rồi.

 

(3) Tự tin:

Tự tin là thái độ đi kèm với đức tính chăm chỉ và lòng nhiệt thành. Đừng nhầm lẫm giữa tự tin và kiêu ngạo nhé. Nhiều người cố khoác trên mình một vẻ ngoài tự tin, nhưng sự tự tin thật sự phải xuất phát từ tính cần cù. 

Lòng tự tin đền từ sự nhận thức. Nếu bạn nhìn vào bản thân và nhận ra điều tốt đẹp trong mình thì đó là lúc bạn đang rất tự tin. Đừng để những dèm pha và đánh giá của người ngoài làm bạn quên đi những điểm sáng cá nhân. Sự tự tin có khả năng truyền cảm hứng trong đội nhóm rất nhanh.

Nhưng cũng đừng quên người lãnh đạo phải luôn khiêm tốn. Hãy chân thật với bản thân mình. Đó là lý do nhiều người thích viết nhật trình để có thể nhìn lại những việc mình đã làm tốt hay chưa tốt trong ngày. 

Quãng đời đại học là khoảng thời gian “nhiều xáo động”. Bạn có rất nhiều thứ mới để học hỏi, những trách nhiệm mới và còn không ít áp lực nữa. Điều đó có thể khiến sự tự tin của bạn bị lung lay. Nhưng miễn là bạn vẫn kiên trì, theo sát công việc bạn có và kế hoạch bạn đặt ra, tâm trí bạn sẽ lại tràn đầy sự tự tin.

 

(4) Chính trực:

Mọi việc không phải lúc nào cũng như ý muốn, đôi khi sai sót xảy ra vì lỗi của bạn hoặc của đồng đội.

Làm lãnh đạo không có nghĩa lúc nào bạn cũng phải là người giỏi nhất, hoàn thiện nhất. Đôi lúc bạn phải dám đứng ra nhận lỗi lầm và trách nhiệm của cả nhóm về mình dù cho lỗi lầm đôi khi không hoàn toàn do bạn gây ra. 

Làm lãnh đạo là khi bạn phải đối diện với những thất bại và đôi lúc phải biết chấp nhận chúng – bạn cần phán đoán được các vấn đề tiềm ẩn và hóc búa.

Làm lãnh đạo còn là khi bạn phải cố gắng mạnh mẽ khi đồng đội cần, dù trong lòng có thể đang vô cùng mệt mỏi. Đó là những giây phút đồng đội của bạn cần một người để dẫn dắt và đấy chính là trách nhiệm của một người lãnh đạo. 

Người xưa có câu “Một cây làm chẳng nên non”, bạn sẽ học để trở thành người lãnh đạo tài giỏi khi nhìn theo cách sống của những nhà lãnh đạo xuất sắc. Hãy đọc tiểu sử của các vĩ nhân, thử làm những việc mà họ thường làm trong thời khắc khó khăn. Theo dõi các bài phỏng vấn về họ. Sử dụng lời khuyên của họ khi bạn gặp vấn đề. Và nhớ rằng: hãy luôn khiêm tốn.

 

Nên bắt đầu học làm lãnh đạo từ đâu?

Bốn tố chất trên là những “bệ phóng” mạnh mẽ cho nghệ thuật lãnh đạo của cá nhân. Học làm lãnh đạo là cả một quá trình gian nan và thành quả sẽ chỉ có thể xuất hiện sau một chặng đường tập trung và kiên trì. Đó là lý do tại sao Thói Quen có sức ảnh hưởng quyết định đến con người. Hãy để bốn tính cách trên trở thành thói quen của bạn. Chúng ta là tấm gương phản chiếu những việc chúng ta làm mỗi ngày. Mỗi sự lựa chọn chúng ta đưa ra đều góp phần khắc họa nên chân dung con người của chính chúng ta. Vậy thì sao không bắt tay từ ngay hôm nay?