Làm sao để "ghi điểm" dễ dàng bằng bài luận?

Bài Luận (hay Bài Tự Luận - Personal Statement – PS) được ví như “tấm vé thông hành” để vào một trường đại học. Quan trọng là thế nên không ít bạn phải hao tâm tổn lực và tốn nhiều thời gian cho một bài luận hoàn chỉnh. Để viết vừa hay, vừa đúng, hãy đảm bảo bài tự luận của bạn hội tụ những điểm sau:

 

Viết gì?

Không có công thức chung nào cho một bài tự luận bởi mỗi bài luận đều thể hiện quan điểm và màu sắc cá nhân của mỗi người. Giữa vô vàn những hồ sơ có thành tích “sáng chói” thì điều khiến bạn gây ấn tượng trong cuộc đua giành học bổng là biết cách ‘khoe’ bản thân mình trong bài tự luận.

Đối với những bạn không có sở trường viết lách thì một bài luận vài trăm chữ cũng có thể là vấn đề không dễ dàng, huống hồ bạn phải viết thật thuyết phục để chứng tỏ mình là một ứng cử viên tiềm năng. Hành trình viết bài tự luận không đáng sợ như bạn nghĩ, thực ra nó còn mang lại cho người viết (tức là chính bạn) cảm giác tự tin và hãnh diện; càng viết, bạn lại càng nắm rõ những thế mạnh và thành tích của bản thân.

Hãy nói về mục đích du học của bạn: trung thực là một điều tối quan trọng. Ban tuyển sinh hàng năm tiếp nhận không ít hồ sơ du học nên họ sẽ dễ dàng “nắm thóp” được những bài luận sao chép từ người khác, do vậy bạn chỉ nên tham khảo bài mẫu để hình dung bố cục. Việc bạn cần làm là tìm hiểu kỹ về trường và chuyên ngành mình muốn học, nguyện vọng của bạn khi lựa chọn ngành học đó và dự định của bạn sau khi kết thúc khoá học. Sau khi đã viết nháp ra các ý này, hãy dành ra vài ngày để chăm chút cho từng ý và câu văn của mình.

Tiếp đến là viết về lý do bạn tin mình thích hợp với khoá học. Hãy liệt kê tất tần tật những kỹ năng, kinh nghiệm và thành tích có liên quan đến ngành học đó mà bạn đã đạt được ở trong trường lớp, qua các hoạt động ngoại khóa, thực tập, cuộc thi…

 

Viết về Hoạt động ngoại khoá

Các trường đại học ngày nay không chỉ chú trọng đến thành tích học tập tốt mà họ còn đánh giá ứng cử viên qua các hoạt động ngoại khoá và những đóng góp cho cộng đồng. Hãy thử bắt đầu bài tự luận của mình bằng một hoạt động xã hội bạn từng tham gia và liên hệ trải nghiệm này đến ngành học mà bạn chọn. 

Một vài hoạt động bạn nên thêm vào trong bài luận như:

  •             Các câu lạc bộ và đoàn nhóm từng tham gia
  •             Những hoạt động tình nguyện
  •             Các chương trình học ngoại khoá (kể cả những khoá học online)

Nếu chưa từng tham gia những hoạt động trên, thì bạn có thể viết về sở thích của mình và động lực thúc đẩy bạn theo đuổi lĩnh vực bạn mong muốn. Thậm chí khi bạn không có nhiều trải nghiệm liên quan trực tiếp đến lĩnh vực muốn học, bài tự luận của bạn vẫn có thể ‘ăn điểm’ nếu biết cách giải thích và dẫn dắt từ đam mê đến với quyết định xin học. 

 

Vì bạn là du học sinh…

Nên hãy đưa ra những lý do bạn chọn đất nước này: khoá học, văn hoá, ẩm thực, di sản… Đừng quên “khen” một chút về ngôi trường đại học mà bạn đang nhắm đến, nhưng cũng đừng nói quá nhiều vì sẽ bị coi là nịnh bợ.

Ngoại ngữ cũng là một yếu tố quan trọng trong bài tự luận của du học sinh. Bạn cần chứng minh khả năng ngoại ngữ của mình thông qua các khoá học hay kỳ thi sát hạch. Nếu kết quả của bạn chưa thật sự xuất sắc, thì bạn nên bày tỏ tinh thần ham học hỏi và mong muốn được trau dồi trong quá trình học tập nước ngoài.

Đừng quên trình bày lý do bạn chọn đi du học thay vì học tập ở quê nhà; sự khác biệt giữa hai đất nước đã đưa bạn đến với quyết định du học như thế nào (chất lượng giáo dục, môi trường học tập…) Các đại học luôn dành thiện cảm với những sinh viên quốc tế mạnh dạn bước khỏi ‘ao làng’ và “vùng an toàn” để khám phá đất nước và con người mới.

 

Viết sao cho “chuẩn”?

Viết mở bài thật ấn tượng sẽ là một khởi đầu tốt. Sau đó đến phần trình bày thành tích đã đạt được, những thách thức đã vượt qua, những kỹ năng bạn có và mục đích học tập của bạn, và cuối cùng, hãy dùng các luận ý để thuyết phục bộ phận tuyển sinh rằng tương lai sự nghiệp của bạn sẽ mở rộng hơn sau khi hoàn thành khoá học. 

Suy cho cùng, bài tự luận là nơi bạn ‘tự’ luận bàn về bản thân, về những thế mạnh của riêng mình. Vậy nên câu trúc các ý nào trước hay sau đều hoàn toàn nên được tùy chỉnh theo mạch câu chuyện của riêng bạn.

Sau đây là một vài lưu ý dành cho bạn:

  •             Viết súc tích: đừng lạm dụng từ ngữ hay câu văn có cú pháp dài dòng, bạn nên đi thẳng vào vấn đề với ý văn rõ ràng
  •             Viết tách đoạn: mỗi ý nên viết thành một đoạn
  •             Viết về cách bạn muốn thay đổi bản thân: Giới thiệu bản thân trước, rồi dẫn dắt đến mục đích muốn thay đổi con người như thế nào qua khóa học này 
  •             Khiến bản thân nổi bật bằng sự hóm hỉnh, nhưng tránh “đụng chạm” vào mọi cá nhân hoặc tổ chức.
  •             Đọc lại nhiều lần: Bạn có thể nhờ thầy cô, bạn bè xem qua và giúp bạn chữa lỗi ngữ pháp hoặc chính tả tiếng Anh.
  •             Tuyệt đối không sao chép bài viết của người khác: một bài đạo văn (gần như) không bao giờ qua mắt được hội đồng xét duyệt của trường. Bài tự luận mang cá tính riêng của bạn luôn đáng giá hơn con chữ của người khác. 
  •             Ước lượng độ dài bài viết vừa phải, hạn chế viết quá nhiều. Một số trường khuyến cáo chỉ nên viết bài tự luận trong 1 trang giấy A4, nhưng đây không phải là quy định của tất cả học viện. 

Đầu tư cho một bài tự luận “chất lượng” có thể tốn khá nhiều thời gian và sức lực, nhưng kết quả bạn đạt được không chỉ là những suất học bổng giá trị mà nó còn giúp ích cho quá trình viết đơn xin việc sau này nữa.